Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Không ai muốn tăng thuế
Mạnh Bôn - 15/09/2017 08:35
 
Chưa khi nào, câu chuyện tăng thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng (GTGT) nói riêng lại được cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm như thời gian gần đây, sau khi Bộ Tài chính xây dựng một luật sửa 5 luật thuế.
Dự kiến tăng thuế GTGT vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội
Dự kiến tăng thuế GTGT vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội.

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, riêng sắc thuế GTGT có nội dung tăng thuế suất phổ thông từ 10% lên 12%, thuế suất ưu đãi từ 5% lên 6% kể từ ngày 1/1/2019. Do không có yếu tố loại trừ, nên thuế GTGT không ưu tiên, ưu đãi, miễn giảm cho bất cứ đối tượng nào.

Đóng thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, song do phạm vi ảnh hưởng bao trùm toàn bộ xã hội, nên dự kiến tăng thuế GTGT vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội là điều dễ hiểu, ngay cả khi đề xuất tăng thuế là “vạn bất đắc dĩ”.

Dư luận xã hội phản ứng trước đề xuất tăng thuế là dễ hiểu, nếu như hàng ngày, hàng giờ họ không thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet thông tin về đại dự án này, siêu dự án kia được đầu tư bằng ngân sách nhà nước bị thua lỗ hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng.

Dư luận xã hội cũng sẽ không phản ứng có phần tiêu cực trước đề xuất tăng thuế nếu không chứng kiến không ít công trình công cộng như nhà văn hóa, bảo tàng, sân vận động, khu thể dục - thể thao, tượng đài… được xây dựng bằng tiền thuế bị xuống cấp hoặc bị sử dụng sai mục đích.

Và dư luận xã hội cũng không quá bức xúc nếu không có nhiều quan chức sở hữu “biệt phủ”, có trong tay hàng trăm tỷ đồng chắc chắn không phải được làm ra bằng mồ hôi, nước mắt bằng việc đi bán chổi đót, chạy xe ôm, từ những công việc “làm thối cả móng tay”…

Chỉ đạo mới đây của Chính phủ về việc chưa tăng thuế, phí, lệ phí trong năm 2017 để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh là rất kịp thời, bởi khi giảm được chi phí, doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động, tăng đầu tư, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy vậy, quan điểm cho rằng phải tăng thuế là do ngân sách nhà nước mất cân đối vì chi thường xuyên quá lớn là chưa thấu đáo. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm tới 67% tổng chi ngân sách, trong khi chi cho đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 18,2% (giai đoạn 2006-2010 cơ cấu này tương ứng là 64% và 24,4%). Quan điểm này không sai, nhưng chưa thuyết phục khi đồng nghĩa chi thường xuyên với chi cho bộ máy quản lý nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Trên thực tế, biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước nói chung từ năm 2011 đến nay đang có xu hướng giảm, lương cơ sở cho khu vực này cũng chỉ tăng 4 lần với mức độ tăng không lớn (từ 830.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng).

Nguyên nhân chính của việc tăng chi thường xuyên trong giai đoạn vừa qua là thực hiện quá nhiều chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ thủy lợi phí cho nông dân, hỗ trợ người cao tuổi; mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân… Chưa kể giai đoạn này, Nhà nước phải bỏ ra 491.905 tỷ đồng chi lương hưu và bảo đảm xã hội. Nói chung, đó đều là những khoản không thể không chi và vẫn tiếp tục phải chi cho dù bội chi ngân sách.

Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm tài chính quốc gia an toàn, bền vững đặt mục tiêu, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm 84 - 85%. Nếu bảo đảm số thu này thì mới có thể giảm tỷ lệ bội chi xuống không quá 3,5% GDP, nợ công không vượt trần 65% GDP. Vì thế, nghiên cứu các chính sách tăng thu nội địa là điều bắt buộc.

Nhưng tăng thu không đồng nghĩa với tăng thuế suất, mà có thể thực hiện bằng nhiều cách như mở rộng đối tượng; chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá; ban hành chính sách thuế mới đánh vào người có nhiều tài sản có giá trị lớn như Luật thuế Tài sản chẳng hạn… Thực tế, cũng có thể tăng thu ngân sách bằng cách loại bỏ hoặc giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả chi phí ngầm lẫn chi phí chính thức như các loại phí, lệ phí theo yêu cầu của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua.

Chỉ đạo mới đây của Chính phủ về việc chưa tăng thuế, phí, lệ phí trong năm 2017 để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh là rất kịp thời, bởi khi giảm được chi phí, doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động, tăng đầu tư, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Thuế là nguồn thu của ngân sách, cũng là công cụ để tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, mà nguyên tắc quan trọng cho việc thu thuế là nuôi dưỡng nguồn thu. Chính vì vậy, chưa nên đề cập việc tăng thuế trong thời điểm hiện nay, mà nên chọn thời điểm thích hợp để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thu nhập của người dân, với thực trạng của nền kinh tế.

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng và sức ép từ thâm hụt ngân sách
Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính đang gặp nhiều phản ứng của dư luận. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư