Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Không biết có bao nhiêu tiền, không được quyết dự án
Hàn Tín - 27/11/2013 13:33
 
Chiều nay, (27/11) Quốc hội thảo luận về Luật Đầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Nếu Luật Đầu tư công được thông qua, tôi dám chắc chắn rằng, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, vấn đề quản lý vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước cũng như tất cả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn rất nhiều”. >>> >>> >>> >>>
TIN LIÊN QUAN

Đầu tư công hiện nay được Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng như nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận là kém hiệu quả do đầu tư dàn trải, lãng phí, thậm chí còn bị thất thoát.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Đức Thanh)

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không phủ nhận, nhưng cho rằng, đối với một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ (TPCP) dở dang bị đình hoãn thì dễ nhìn ra sự lãng phí, còn đối với nhiều dự án đầu tư khác nếu nói là không hiệu quả và lãng phí thì rất khó xác định.

Bởi không như những dự án đầu tư khác, dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách và TPCP, hiệu quả của dự án không chỉ tính bằng tiền (hiệu quả kinh tế) mà phải tính cả hiệu quả xã hội mà dự án mang lại.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo Giám sát tình hình thực hiện TPCP giai đoạn 2008-2012, trong đó đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn vốn.

“Nhưng cần phải thanh tra sâu hơn, kỹ hơn đối với từng dự án thì mới có danh sách từng dự án được coi là lãng phí, lãng phí bao nhiêu, lãng phí ở mức độ nào - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định - Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành thanh tra đối với từng dự án sử dụng nguồn vốn TPCP, mặc dù không đơn giản, nhưng sẽ có báo cáo về hiệu quả sử dụng vốn TPCP của từng dự án để gửi tới các đại biểu Quốc hội”.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thành Tâm về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí trong việc sử dụng vốn TPCP, ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đầu Kỳ họp Quốc hội thứ 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo kiểm điểm của các bộ ngành, địa phương về vấn đề.

“Rất ít người nhận trách nhiệm về việc sử dụng TPCP, ngân sách nhà nước lãng phí, nếu có bộ ngành, địa phương nào nhận trách nhiệm thì cũng nhận rất chung chung, rất khó chỉ ra địa chỉ cụ thể”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Phân tích sâu sa về tình trạng lãng phí trong đầu tư công, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có 2 nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, cho đến tận trước năm 2012 (trước khi Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP có hiệu lực), các địa phương quyết định xây dựng công trình, dự án không căn cứ vào nguồn lực, trong khi nguồn vốn từ Trung ương có hạn đã dẫn tới nợ đọng, dây dưa, quá trình xây dựng kéo dài, thậm chí nhiều công trình, dự án phải tạm dừng lại.

Thứ hai, trước đây, Quốc hội, Chính phủ không làm kế hoạch đầu tư công trung hạn (3- 5 năm), mà làm kế hoạch hàng năm đã dẫn đến tình trạng, cứ công trình, dự án nào thấy cần là địa phương quyết định đầu tư mà không cần biết ngân sách địa phương có bao nhiêu tiền, đầu tư cho công trình bao nhiêu tiền, bởi nguồn vốn đầu tư thường được ghi “rất cụ thể” là “Ngân sách Trung ương bố trí”.

“Địa phương quyết định đầu tư còn Trung ương phải chạy theo để bố trí vốn, cuối cùng bố trí không nổi nên dẫn tới dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Như vậy có thể khẳng định, trách nhiệm trong việc đầu tư công dẫn tới dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả là do người quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

“Tình trạng lãng phí, dàn trải trong đầu tư công đã được khắc phục trong Chỉ thị 1792/CT-TTg theo nguyên tắc, ông không được ký quyết định đầu tư khi ông không biết có bao nhiêu tiền. Nếu ông xin vốn của Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính) thì ông phải báo cáo Trung ương xem hỗ trợ được bao nhiêu? Nội dung này được thể chế trong Luật Đầu tư công để nâng tính pháp lý lên cao hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

“Luật Đầu tư công nếu được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư