Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Không chờ đến khi có biến động, doanh nghiệp mới hành động
Tuy khá bất ngờ về mức thuế đối ứng mà Mỹ mới công bố, song các doanh nghiệp Việt đều xác định phải chủ động, nhanh chóng thích ứng bằng nhiều giải pháp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, không chờ đến khi có biến động mới hành động.
- Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

 Mong Chính phủ sớm xúc tiến đàm phán với Mỹ            

Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là giao hàng tận kho (DDP) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng, rồi chờ thanh toán từ đối tác Mỹ.

Theo thống kê sơ bộ và chưa đầy đủ của VASEP, khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4, tháng 5/2025 và nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025, khoảng 38.500 tấn. Đây là những con số vô cùng lớn với ngành thủy sản, không chỉ là tài sản của bà con nông dân, ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam, mà điều quan trọng hơn là sinh kế và những kế hoạch đầu tư, sản xuất đã chuẩn bị để cung ứng cho thị trường Mỹ bị đe dọa.

Nếu Hải quan Mỹ tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng (sau ngày 9/4/2025), các lô hàng đang vận chuyển sẽ chịu mức thuế mới. Điều này gây thiệt hại lớn, vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng đồng theo phương thức DDP với giá dựa trên mức thuế hiện tại.

Với mức thuế 46%, cao hơn nhiều so với mức thuế áp cho các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh, thủy sản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Vì vậy, VASEP mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành có phương án đàm phán với Mỹ sớm nhất để xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu mới, đàm phán điều chỉnh giảm thuế xuống mức phù hợp nhất…

- Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS)
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS)

Linh hoạt thích ứng       

Mỹ là thị trường số một của ngành điều Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, chiếm 25 - 28% sản lượng xuất khẩu điều nhân ra thế giới. 

Tuy nhiên, điều là mặt hàng mà Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, do đó, các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng sẽ nằm ngoài danh sách bị đánh thuế của Tổng thống Trump.

Nếu vẫn bị áp thuế, tôi cho rằng, có thể khó trong giai đoạn trước mắt, chứ khó khăn lâu dài sẽ không xảy ra với ngành điều Việt Nam. Bởi doanh nghiệp Việt Nam cũng rất linh hoạt trong hoạt động kinh doanh. Nếu đơn hàng sang Mỹ sụt giảm, cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực khai thác thị trường mới ngoài Mỹ.

Ngành điều Việt Nam sẽ quyết liệt hơn trong tìm kiếm và mở rộng thị trường, trong đó có Trung Đông. Đây là thị trường rất tiềm năng với hạt điều và các dòng sản phẩm dinh dưỡng cao cấp từ hạt điều. Tháng 2/2025, VINACAS đã có đoàn tham dự hội chợ về thực phẩm tại Dubai. Thời gian tới, các chương trình xúc tiến thương mại sang Trung Đông và một số thị trường mới sẽ được tích cực thực hiện hơn.

- Bà Nguyễn Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ
 Bà Nguyễn Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ

Nếu sản phẩm đủ vững, thì “cửa” luôn mở          

Chúng tôi không chỉ nhìn nhận việc Mỹ công bố mức thuế đối ứng là một chính sách thuế, mà là một dấu hiệu cho thấy, cục diện thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, đôi khi thiếu tính ổn định vốn có của luật chơi truyền thống. Là lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thuỷ sản, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sức nặng của từ “thích nghi”.

Quyết định áp thuế đối ứng 46% của Mỹ với hàng hóa của Việt Nam tạo ra cú sốc ngắn hạn cho toàn chuỗi cung ứng. Các đối tác Mỹ của chúng tôi buộc phải cân nhắc lại kế hoạch nhập hàng và doanh nghiệp Việt như chúng tôi phải chứng minh giá trị không chỉ qua giá cả, mà bằng sự tin cậy, trách nhiệm và minh bạch trong từng khâu vận hành.

Công ty Sa Kỳ đã chủ động gửi thư đến từng đối tác, không phải để “giữ khách hàng”, mà để chia sẻ về áp lực mà các bên đang đối mặt và cùng tìm giải pháp.

Trước khi có biến động thuế lần này, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị thông qua đầu tư mạnh vào công nghệ quản trị chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc và cải tiến quy trình sản xuất. Đồng thời, chúng tôi không xây dựng doanh nghiệp như một con thuyền theo hướng một chiều. Chúng tôi phát triển thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc một cách bài bản và gần đây là UAE và thị trường nội địa.

Hiện các thị trường như Nhật Bản và Đức đang chủ động tăng sản lượng nhập. Điều đó cho thấy, nếu sản phẩm đủ vững, thì cửa luôn mở với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro nếu gặp vấn đề ở một thị trường nào đó.

- Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM

Cần chú trọng mở rộng thị trường thông qua các FTA    

Từ tháng 8/2024, ngành dệt may bắt đầu ghi nhận sự phục hồi và cũng đưa mức dự báo về thuế quan của Mỹ. Đa phần doanh nghiệp dự báo mức thuế quan có thể lên đến 25%, nhưng nếu mức thuế đối ứng lên đến 46%, thì quá cao với các doanh nghiệp trong ngành.

Hiện một vài tàu chở hàng xuất khẩu đang tăng tốc trước ngày 9/4. Với các đơn hàng vận chuyển tới Mỹ sau ngày này, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu buộc phải chấp nhận mức thuế mới. Còn những đơn hàng đang sản xuất, doanh nghiệp có thể giãn thời gian chờ kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngành dệt may vốn đã cạnh tranh rất khốc liệt về giá, nên mức thuế 46% mà Chính phủ Mỹ mới tuyên bố như một “cú giáng” lên hầu hết doanh nghiệp trong nước, đe dọa việc làm của hàng triệu công nhân.

Việc chuyển đổi thị trường cần phải có thời gian, nên khó khăn có thể kéo đến giữa quý III. Ngành dệt may sử dụng nhiều lao động và chỉ mới phục hồi, nên tích luỹ chưa đáng kể. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì lượng lớn lao động, chấp nhận chi phí cao, thì khả năng thua lỗ càng lớn, cả trong sản xuất và bán hàng.

Do đó, ngoài Mỹ, doanh nghiệp nên mở rộng thị phần tại các thị trường đang khai thác tốt. Bên cạnh đó, có thể chọn quay về thị trường nội địa với hướng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát triển thị trường ngách, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA)… Đồng thời, giới thiệu thêm các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đến các thị trường truyền thống, dù giá có thể không đạt như mong muốn, nhưng có thể giảm bớt rủi ro.

Các doanh nghiệp đang xây dựng thêm kế hoạch để tiếp tục mở rộng sang thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga… Ngoài ra, để xuất khẩu sang Mỹ khả quan hơn, các doanh nghiệp trong ngành cần đảm bảo xuất xứ hàng hóa và có sự trợ lực từ Chính phủ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Bình tĩnh, nắm bắt thông tin, nâng chất lượng sản phẩm             

Năm 2024, chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ, sau khi Mỹ mở cửa cho sản phẩm dừa tươi bóc vỏ, bưởi da xanh.

Tuy nhiên, đối với ngành hàng rau quả, hiện cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ, nên rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể không bị áp mức thuế này. Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu rau quả các loại từ Mỹ với tổng giá trị khoảng 540 triệu USD.

Về chính sách thuế của Mỹ, tôi cho rằng, sẽ còn có những thay đổi trong thời gian tới. Do vậy, lúc này, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cần phải bình tĩnh, nắm bắt thông tin; chủ động chuẩn bị tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất, đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường; chủ động ứng phó, thích nghi với sự thay đổi từ phía các thị trường nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Lam, CEO Công ty cổ phần Gỗ Lâm Việt
Ông Nguyễn Thanh Lam, CEO Công ty cổ phần Gỗ Lâm Việt

Chủ động đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro            

Trước thông tin về khả năng áp thuế của Mỹ, chúng tôi nhìn nhận, đây là một phần trong chiến lược đàm phán của phía Mỹ. Với ngành gỗ, cá nhân tôi không quá lo lắng. Thực tế, Việt Nam đã chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ từ ngày 31/3, thể hiện thiện chí rất rõ ràng.

Theo quan điểm của chúng tôi, nếu có áp dụng thuế đối ứng, thì cũng sẽ phân chia cụ thể theo từng mã hàng, chứ không áp đại trà. Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục làm việc với phía Mỹ để tìm tiếng nói chung. Trong tình huống Mỹ áp thuế ở mức 10% cho ngành gỗ Việt Nam, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị: các bên trong chuỗi cung ứng sẽ cùng chia sẻ gánh nặng, dự kiến mỗi bên chỉ chịu khoảng 5%.

Hiện tại, các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ của Công ty cổ phần Gỗ Lâm Việt vẫn diễn ra bình thường và chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý III/2025.

Về chiến lược thị trường, chúng tôi không chờ đến khi có biến động mới hành động. Trong nhiều năm qua, Công ty cùng các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Australia và khu vực Trung Đông. Đây là hướng đi dài hạn nhằm đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính: Bình quân mức thuế xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam chỉ khoảng 15%
Liên quan đến việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, bình quân mức thuế suất hàng hóa của Mỹ xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư