Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Không “dắt lưng” vốn con người èo uột vào cuộc chơi 4.0
Lê Quân - 03/10/2019 21:45
 
Không thể “dắt lưng” vốn con người èo uột tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0, nếu muốn tận dụng tốt cơ hội từ cuộc chơi đẳng cấp này để tạo bước phát triển đột phá thì bài toán gốc rễ mà Việt Nam cần giải là chất lượng nguồn nhân lực.
Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số trước mắt cần tập trung vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp.
Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số trước mắt cần tập trung vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp.

Điều khiến các chuyên gia quốc tế băn khoăn về cách tiếp cận cách mạng 4.0 và chuyển đổi số của Việt Nam chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Minh chứng rõ nhất là tại các sự kiện bàn thảo những vấn đề lớn của đất nước mới đây, từ chuyện phát triển bền vững đến tiếp cận cách mạng 4.0, hầu hết các lời khuyên quốc tế đều xoay quanh chất lượng lao động.

Không ngẫu nhiên mà chuyên gia ICT cao cấp như Rachel Barger, Giám đốc vận hành Tập đoàn giải pháp công nghệ và phần mềm SAP khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, lại đặt yếu tố con người lên trên nền tảng công nghệ, dù nền tảng vốn là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số.

Lý giải tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 diễn ra trong 2 ngày 2-3/10 tại Hà Nội, bà Barger đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động với tăng trưởng GDP duy trì mức cao nhiều năm qua. Lực lượng lao động trẻ (số người trong độ tuổi lao động chiếm 68,5% tổng dân số - PV) là lợi thế, động lực lớn cho tăng trưởng của Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Câu hỏi này có thể giải quyết thông qua chuyển số, mà ở đó công nghệ số sẽ “nhiên liệu tốt” kích thích tăng trưởng trong nước và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nữ chuyên gia nhận định.

“Khi chuyển lên công nghiệp 4.0, chúng ta hay nhắc tới các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning)... Ở châu Á, việc áp dụng những công nghệ này đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rút ngắn khoảng cách với cách mạng công nghiệp 4.0.”

Với Việt Nam, nữ chuyên gia khuyến nghị cần tiếp cận chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính, gồm: chính sách, nhân lực và nền tảng công nghệ. Trong đó, bài toán nhân lực cần được giải quyết thấu đáo, không chỉ dừng ở chuyện cung cấp nhân lực cho vận hành những công nghệ nền tảng của cách mạng 4.0 mà phải tiến lên xây dựng mạng lưới nhân tài cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Từng là tư lệnh ngành kinh tế sáng tạo của Indonesia, bà Mari Elka Pangestu, cựu Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo của Indonesia khẳng định dù muốn hay không thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà xa hơn là cách mạng 4.0.

Điều này càng có lý khi vị cựu bộ trưởng lập luận, công nghệ có tối tân đến đâu vẫn cần có người đủ kỹ năng, vững tay nghề sử dụng nó.

“Người hàng xóm” Indonesia cũng từng “đau đầu” với chất lượng giáo dục và hiệu quả đầu tư cho giáo dục. Đã có câu hỏi lớn đặt ra đối với hiệu quả sử dụng ngân sách đầu tư cho giáo dục bởi Indonesia từng nhiều năm gặp khó trong cải tiến chất lượng giáo dục, dù khoảng 20% ngân sách được rót vào giáo dục, bà Pangestu bộc bạch.

Để bứt lên, Indonesia chọn hướng tập trung vào kinh tế sáng tạo và xác định đây chính là lợi thế cạnh tranh mềm cho các ngành, lĩnh vực. Giáo dục Indonesia đang tập trung vào mô hình STEMP (phương pháp giáo dục trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để vận dụng giải quyết các vấn đề hàng ngày), hay nói đúng hơn là STEAM (phương pháp giáo dục giúp người học vận dụng kiến thức và kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học để tiếp cận thông tin, đối thoại và rèn luyện tư duy phản biện).

Đối với Việt Nam cũng vậy. Vẫn là câu chuyện con gà và quả trứng. Vốn con người chính là trụ cột cho tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Nếu đầu tư vào vốn con người thì kỹ năng và trình độ của lao động được cải thiện, từ đó mới tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác, cựu bộ trưởng Indonesia nhận định.

Còn theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trước mắt đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số ở Việt Nam phải tập trung vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp, mà hạt nhân của quá trình chuyển đổi số chính là 1000 chuyên gia chuyển đổi số, có mặt tại tất cả các bộ, ngành và địa phương.

Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người, nên muốn căn cơ thì công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phải được coi là kỹ năng cơ bản như đọc viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất. Cũng chính ICT là lời giải tốt nhất cho nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.

Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư