Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài
Kỳ Thành - 08/11/2019 08:22
 
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nếu tất cả những thông tin chỉ diễn ra trên một mạng xã hội cũng là vấn đề an ninh quốc gia. Ngoài ra, mỗi một mạng xã hội có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Quý độc giả vui lòng ấn F5 để cập nhật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (8/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Ông Hùng là Bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xoay quanh nhóm vấn đề:

(1) Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo.

(2) Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.

(3) Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Cùng "chia lửa" với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn có Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 
11/08/2019 08:22

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD. Với sứ mạng đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là bộ quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông với sứ mạng truyền tải dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. “Đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần, báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó, dù đưa tin tích cực hay tiêu cực thì cũng phải khích lệ tinh thần Việt Nam, làm cho Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã có nhiều bước phát triển. Xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng, chỉ số ứng dụng viễn thông và CNTT tăng hạng, xếp hạng an toàn thông tin mạng cũng tăng.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại và những vấn đề nhức nhối như hàng lậu, hàng giả qua kênh bưu chính; rác viễn thông, sim rác, tin nhắn rác; bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới; quảng cáo sai sự thật; báo hoá tạp chí, trang tin điện tử…

 
08/11/2019 08:25

Bảng điện tử cho thấy có 83 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn
 
11/08/2019 08:37

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng Hùng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. 

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích  thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

 
11/08/2019 08:51

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.

“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng Hùng phát biểu.

Hiện Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Trên thế giơi, một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game.

 
11/08/2019 09:11

Chặn sim rác, tin nhắc rác, cuộc gọi rác đạt hiệu quả

Trả lời chất vấn về sim rác, Bộ trưởng Hùng cho hay, trước đây Bộ Thông tin Truyền thông xử lý ở hàng trăm nghìn đại lý, điểm bán sim. Tuy nhiên gần đây, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã đổi cách quản lý sang quy trách nhiệm vào tổng giám đốc, chủ tịch các công ty viễn thông.

"Bộ sẽ trực tiếp phát hiện, nhắc nhở. Tuy nhiên, hiện các quy định của pháp luật chỉ phạt đến vài chục triệu mà nhà mạng doanh thu hàng trăm nghìn tỷ nên Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ra quy định "nếu còn sim rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới", ông nói.

Vì vậy, chỉ trong khoảng 10 tháng qua, 24 triệu sim không có thông tin được kích hoạt trước để bán cho khách hàng đã được chặn lọc, chỉ còn khoảng 6 triệu, bước đầu giảm được 75%. Các nhà mạng cũng dùng công nghệ để chắt lọc những thông tin quảng cáo.

Ông cho biết, hiện mỗi tháng chặn từ 10 - 15 triệu tin nhắn rác, sự phàn nàn của khách hàng vì thế đã giảm đi. Tuy nhiên, các nhà mạng mới tập trung lọc các tin nhắn quảng cáo về bất động sản và bán sim số đẹp, còn các lĩnh vực khác thì chưa thể nên Bộ sẽ chỉ đạo xử lý.

Ngoài sim rác, các đại biểu cũng chất vấn về cuộc gọi rác. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, đây là hiện tượng mới. Hiện các nhà mạng mỗi tháng ghi nhận 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này ảnh hưởng tới hàng triệu người, hàng triệu cuộc gọi.

"Tháng trước Bộ đã thí nghiệm công cụ kỹ thuật chặn cuộc gọi rác. Tuy nhiên, 80% trong 10.000 cuộc này từ sim rác, vì thế ngăn chặn từ gốc vẫn phải là chặn sim rác", Bộ trưởng nói.

 
08/11/2019 09:35

Tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” giảm đáng kể

 Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện nay, cả Bộ, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và một số Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng này đã giảm đáng kể.

Nêu giải pháp xử lý vi phạm, Bộ trưởng Hùng cho biết, nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí.

 
08/11/2019 10:34

Giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng

Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.

Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, Bộ trưởng cho biết hiện nay có 2 bộ lọc. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ.

Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc. Hiện nay các nhà mạng mới đã có công cụ này. Hiện nay có hai cơ chế gỡ. Đã yêu cầu trực tiếp với nhà mạng thì nhà mạng sẽ gỡ và yêu cầu thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động. Nhưng hiện nay thì đúng là các bộ, ngành, địa phương cũng phải đầu tư nguồn lực.

 
08/11/2019 10:35

Facebook đã chặn 21 trang mạng chống phá Nhà nước

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Theo Bộ trưởng, kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài.

Bộ trưởng cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

 
08/11/2019 10:38

Không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chất vấn: "Hiện nay người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài nhiều hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước". "Tôi biết bộ trưởng rất tâm huyết với vấn đề này, vậy đến lúc nào mạng xã hội trong nước đủ mạnh để thay thế được mạng xã hội nước ngoài?"

Trả lời câu hỏi, Bọ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu tài khoản. Với tốc độ này thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 90 triệu tài khoản, tương đương với mạng nước ngoài. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những thông tin chỉ diễn ra trên một mạng xã hội? Đây cũng là vấn đề an ninh quốc gia. Nếu mỗi người dùng vài mạng xã hội, chúng ta phân tán dữ liệu ấy ra thì sẽ đảm bảo tính an toàn.

Bộ trưởng cho biết thêm là đến nay có rất ít nước làm được mạng xã hội. "Vậy chúng ta có mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài không? Không. Mỗi một mạng xã hội có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau".

Bộ trưởng Hùng khẳng định, "Chúng ta là đất nước mở nên chúng ta kêu gọi mọi người vào Việt Nam làm ăn. Chúng ta chỉ có một yêu cầu thôi là vào thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây là làm cho Việt Nam thịnh vượng".

 
11/08/2019 10:47

Sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Trả lời chất vấn về việc có quản lý mạng xã hội như quản lý báo chí được không, Bộ trưởng Hùng cho biết, mạng xã hội và báo chí là hai không gian khác nhau. “Nói đến báo chí là nói đến định hướng dư luận, sứ mệnh về thông tin, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội”, Bộ trưởng Hùng nói.

Trong khi đó, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành. Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

"Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức", Bộ trưởng cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư