Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Không để chậm chân trong thu hút FDI
Nguyên Đức - 29/09/2022 08:22
 
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, nhưng tốc độ thu hút đầu tư mới đang chậm lại. Cần lý giải thấu đáo điều này và có giải pháp để xử lý.
Samsung có kế hoạch tăng vốn đầu tư thêm 3,3 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất, vốn giải ngân tăng cao

Ít ngày trước, Heineken khánh thành nhà máy bia tại Vũng Tàu. Với tổng vốn đầu tư sau khi tăng vốn là 9.151 tỷ đồng, công suất 1,1 tỷ lít/năm, gấp 36 lần so với trước, đây là nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á của Heineken và là nhà máy có dây chuyền đóng lon nhanh nhất trong các nhà máy bia Heineken trên toàn thế giới.

“Thành công của Heineken tại Việt Nam là nhờ môi trường đầu tư lành mạnh, văn minh, cầu tiến mà Chính phủ Việt Nam đã tạo dựng ngay từ những năm 1990”, ông Dolf van den Brink,  Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Heineken đã nói như vậy và một lần nữa cam kết “cùng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hiệu quả, sáng tạo và bền vững”.

Việt Nam đã trở thành một hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài 35 năm qua. Ngay cả trong dịch bệnh Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài vẫn tích cực vào Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay cũng vậy. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng, có 18,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tích cực.

Cụ thể, 9 tháng, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với 8,3 tỷ USD, tăng 13,4% về số lượt dự án, tăng 29,9% về số vốn. Bên cạnh đó, có 2.697 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 3,28 tỷ USD, giảm 4,7% về số lượt, song tăng 1,9% về số vốn. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

Trong báo cáo của mình, Cục Đầu tư nước ngoài đã nhấn mạnh một loạt dự án được tăng vốn đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Chẳng hạn, Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD, 127 triệu USD…

Các thông tin gần đây cũng khá tích cực, khi nhiều tên tuổi lớn của thế giới, như Apple…, muốn chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Đó cũng là lý do Goertek, Foxconn, Luxshare… đều tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Những động thái này càng chứng tỏ, Việt Nam đang thực sự trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Vốn đăng ký mới vẫn giảm, đâu là nguyên nhân?

Nhận định từ các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế là khá tích cực với Việt Nam. Song có một thực tế là, vốn đầu tư đăng ký mới vẫn trong xu hướng giảm. Vốn đăng ký mới giảm ảnh hưởng không chỉ đến vốn giải ngân, mà cả nền tảng phát triển của nền kinh tế giai đoạn tới đây.

Trong 9 tháng đầu năm, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký với, với tổng vốn 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% về số dự án so với cùng kỳ, nhưng giảm 43% về số vốn. Việc vốn đăng ký mới giảm gần đây chính là nỗi lo lớn đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới.

Lý giải về điều này, Cục Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, các chính sách kiểm soát Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

Thứ hai, thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Thứ ba, các tháng đầu năm 2022 không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 9 tháng năm 2021. Đặc biệt, trong đó có Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 9 tháng năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 37,2% tổng vốn đầu tư của 9 tháng.

Nhưng một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nói về việc Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội do xu hướng dịch chuyển vốn mang lại.

Có thể, còn có những nguyên nhân sâu xa hơn. Lắng nghe các nhà đầu tư nước ngoài nói, sẽ thấu hiểu điều này.

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam, trong cuộc đối thoại với Chính phủ Việt Nam mới đây, đã chia sẻ, có rất nhiều điều Việt Nam cần phải làm để giúp công nghiệp điện gió ngoài khơi “cất cánh”. Chẳng hạn, cần nhanh chóng xét duyệt và cấp giấy phép khảo sát biển để các công việc phát triển dự án chính được khởi động; cần áp dụng một cơ chế cạnh tranh chuyển tiếp trong giai đoạn này để khởi động thị trường; cần một số cải thiện về hợp đồng mua bán điện…

Trong khi đó, ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết, một trong những thách thức mà Panasonic gặp phải là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng IT/AI (công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo)... “Đây là những nhân tố cốt lõi sẽ quyết định sức cạnh tranh trong tương lai cho cả Việt Nam cũng như Panasonic”, ông Marukawa nói.

Còn ông Kim Young Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhắc đến vướng mắc trong vấn đề thuế, ưu đãi đầu tư, chính sách thị thực ít cởi mở…“Chúng ta có lực lượng nghiên cứu - phát triển được đào tạo tốt, nhưng hiện tượng ‘chảy máu chất xám’ đang diễn ra. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam”, ông Kim Young Chul nói.

Rõ ràng, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư của Việt Nam, mà nếu không sớm cải thiện, chúng ta sẽ khó lòng tăng tốc trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo gửi tới các khách hàng cách đây ít ngày, các nhà phân tích của JP Morgan đã đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. “Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính”, JP Morgan nhận định.
Nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam
Việc các doanh nghiệp nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư đã cho thấy, họ vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư