Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 13 tháng 08 năm 2024,
Không để doanh nghiệp ngần ngại trước quyết định đầu tư
Khánh An - 04/10/2018 10:28
 
Cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng nhìn rõ nét giá trị của mình trong tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế, không chỉ ở các con số, mà quan trọng là trong các quyết sách của Chính phủ.

Sự lu mờ của con dấu ...

Kể từ ngày 10/10, số phận của con dấu doanh nghiệp thêm một bước lu mờ. Theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày này, doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 trao toàn quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho doanh nghiệp, với quy định này, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là một trong những lĩnh vực đầu tiên không bắt buộc doanh nghiệp sử dụng con dấu.

92,3% doanh nghiệp FDI dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2018.
92,3% doanh nghiệp FDI dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2018.

Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của doanh nghiệp Việt Nam với sức mạnh dường như vô đối của con dấu trong doanh nghiệp trong hàng thập kỷ, đến mức nhiều doanh nghiệp bị tê liệt khi con dấu trở thành con tin của các cuộc tranh giành quyền lực, mới thấy hết được bước thay đổi lớn về tư duy quản lý nhà nước khi xóa bỏ dần quyền lực của con dấu. Điều quan trọng, sự thay đổi này xuất phát từ chính sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp, tuân thủ các thông lệ tốt nhất của thế giới.

Cũng từ ngày này, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, không cần nộp hồ sơ bằng bản giấy đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Như vậy, thời gian để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến công bố mẫu dấu không đến một giờ, thay vì tính theo ngày làm việc như hiện tại.

Nếu tính cả những quy định không bắt buộc phải công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; tối giản thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh; bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh, đến con số hơn 1.100 điều kiện kinh doanh đã chính thức được cắt bỏ, khoảng 1.700 dòng sản phẩm sẽ không phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khi thông quan, giới kinh doanh có thể tính ngay các khoản chi phí cả bằng tiền và thời gian mà họ cắt giảm được so với trước. Đương nhiên, đi kèm với đó là cơ hội kinh doanh rộng mở.

Thậm chí, giới nghiên cứu đã dự báo về bước thăng hạng của chỉ số thành lập doanh nghiệp trên Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ tới.

… và niềm tin kinh doanh đang lên

Nhưng, giới kinh doanh không chỉ nhìn vào những con số tính được. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình cho rằng, động cơ thúc đẩy giới kinh doanh bỏ tiền, bỏ sức để kinh doanh là niềm tin vào các bước cải thiện môi trường kinh doanh.

“Chúng tôi đã thấy nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về sửa đổi cơ chế, chính sách, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dần được hiện thực hóa. Nếu Chính phủ không lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong điều hành kinh tế, sẽ không có được điều này”, ông Thắng thẳng thắn.

Có thể điều này lý giải phần nào kết quả tích cực trong xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện. Có tới 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý IV sẽ tốt lên so với quý III. Chỉ có 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Điều đáng nói là khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất khi có tới 92,3% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước là 87,5 % và 86,9%.

Mấu chốt ở chỗ, thông tin rất tích cực này lại được nhắc tới đầy áp lực từ Chính phủ, khi trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh con số 9.926 dòng hàng cần phải cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 6.213 điều kiện kinh doanh phải cắt bỏ, nhưng thực hiện chưa đạt  50%.

“Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn tất dự thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh để có thể ban hành trong tháng 10 này, đảm bảo thực hiện cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành sẽ ban hành thông tư để cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy mạnh thông quan”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Chính phủ. Ông Dũng cũng nhắc tới vị trí dẫn dầu của Việt Nam trong Chỉ số Tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp, cao hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình 47%  của thế giới mà không phải bỗng nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong cuộc họp Chính phủ tháng 9.

“Môi trường kinh doanh phải thuận lợi nhất để doanh nghiệp không ngần ngại quyết định đầu tư tại Việt Nam, đó là điều mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt yêu cầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bài học nào trong thu hút FDI của Việt Nam?
30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế cũng vẫn còn. Vậy đâu là những bài học có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư