Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không hẹn, DongA Bank và Saigonbank cùng tiến hành đại hội cổ đông bất thường
Thùy Vinh - 13/09/2019 08:43
 
Không hẹn nhưng trùng hợp, hai ngân hàng có vốn Thành ủy TP.HCM là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông để tiến hành đại hội cổ đông bất thường năm 2019.

Bất ngờ tiến hành đại hội cổ đông bất thường

Cụ thể, theo thông báo mới nhất được Saigonbank gửi đến cổ đông cho biết, ngày 4/10/2019, Saigonbank sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông
bất thường năm 2019.

Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 9/9/2019. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị 272, TP.HCM.

Nội dung là bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024 và các nội dung khác. HĐQT của nhà băng này hiện chỉ có 4 thành viên và khuyết vị trí chủ tịch HĐQT. 

Theo đó, HĐQT Saigonbank hiện tại có 4 thành viên là ông Vũ Quang Lãm, ông Trần Thế Truyền, Bà Trần Thị Việt Ánh và ông Trần Sỹ Đồng.

Trong đó, ông Vũ Quang Lãm đảm nhiệm công việc Chủ tịch HĐQT từ ngày 19/6/2018 sau khi ông Phạm Văn Thông, nguyên Chủ tịch HĐQT thôi giữ nhiệm vụ do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP.HCM tại ngân hàng.

Các thành viên trong Ban Kiểm soát hiện tại của Saigonbank gồm ông Nguyễn Hữu Hạnh, bà Vũ Quỳnh Mai và bà Nguyễn Đào Phương Linh.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng vừa bất ngờ thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông
bất thường năm 2019.

Cụ thể, ngày chốt danh sách cổ đông là 17h thứ năm ngày 26/9/2019. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể cuộc họp chưa được DongA Bank tiết lộ.

Kể từ tháng 8/2015 đến nay, khi DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt. Cũng từ năm 2015, DongA Bank chưa công bố bất kỳ báo cáo tài chính nào và cũng không tổ chức họp đại hội cổ đông. 

Đến năm 2016, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm). Hiện Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đang xét xử phúc thẩm vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.

Trên thị trường trong thời gian qua xuất hiện thông tin DongA Bank có khả năng sẽ về chung nhà với một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank). Tuy nhiên, trao đổi về phía HDBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, hiện chưa có thông tin cụ thể. 

HDBank hiện cũng đang giai đoạn hoàn tất sáp nhập thêm Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và dự kiến thương vụ này sẽ kết thúc cuối năm nay.

Trước đó, HDBank đã thành công trong sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiA Bank) và mua lại Công ty TNHH Một thành viên Tài chính Việt Société Générale (SGVF) từ năm 2013.

Sau nhiều biến động nhân sự, HĐQT của DongA Bank hiện có 5 người, bao gồm: Ông Võ Minh Tuấn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, 4 thành viên còn lại là ông Nguyễn Đình Trường, ông Trần Văn Đình, ông Huỳnh Phương và ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng đang đảm nhiệm cả chức danh Tổng giám đốc.

Tình hình hoạt động và cơ cấu cổ đông tại Saigonbank, DongA Bank

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh của DongA Bank ghi nhận sự chuyển biến: Tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 2.595 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,3% so với hồi đầu năm; tiền gửi tăng 1.730 tỷ đồng, tương ứng tăng 3%, trong đó tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ với con số đầu năm, trong đó lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tương ứng tăng 40%,  góp phần đa dạng hóa nguồn thu.

Trong 6 tháng qua, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm tháng 8/2015 đến tháng 6/2019 thu được 16.350 tỷ đồng. Các tỷ lệ chi trả đáp ứng được các yêu cầu và quy định của NHNN, chẳng hạn tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với VND đạt 83,77%.

Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm năm 2015, toàn bộ cổ đông của của DongA Bank là cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông pháp nhân có Văn phòng Thành ủy TP.HCM sở hữu 6,9% vốn điều lệ, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm giữ 7,7%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 giữ 10%…

Cổ đông thể nhân có ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank, vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần. Em gái của bà Dung là bà Cao Thị Ngọc Hồng, người đại diện theo pháp luật của CTCP Vốn An Bình - một cổ đông lớn khác của DongA Bank, nắm giữ 5,4% cổ phần.

Như vậy, tổng lượng cổ phần mà ông Bình cùng những người liên quan nắm giữ là 22,72% cổ phần DongA Bank.

Tuy nhiên, báo cáo quản trị công ty của DongA Bank cho thấy, đến cuối tháng 6/2019, trong danh sách cổ đông nội bộ và người có liên quan đã không còn tên của những người trong gia đình của cựu Tổng giám đốc DongA Bank - Trần Phương Bình.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 21.291 tỷ đồng, tăng 4,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 14.181 tỷ đồng, tăng 3,73%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,25%. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank giảm 21% so với cùng kỳ, chỉ đạt 88 tỷ đồng.

Cơ cấu sở hữu tại Saigonbank thay đổi theo thời gian, nhưng hầu hết cổ đông lớn vẫn đang thuộc Top đầu. Hiện cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18%, vốn với đại diện là ông Nguyễn Phước Minh. Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14%.

Trong khi đó, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực năm 2018 quy định tổ chức tín dụng được sở hữu tối đa 15% vốn ngân hàng.

Từ chối sáp nhập, Saigonbank làm ăn lẹt đẹt
Ngân hàng TMCP Sài Gòn công thương (Saigonbank - SGB) thành lập từ năm 1987. Sau gần 32 năm hoạt động, vốn điều lệ của nhà băng này chỉ nhỉnh hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư