Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Không in tiền 5.000 đồng trở xuống, xử phạt ngân hàng tuồn tiền lẻ ra ngoài
Thùy Liên - 21/01/2015 15:58
 
Năm nay, NHNN không in mới tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, lượng tiền lẻ đang tồn tại một số ngân hàng có thể có nhưng NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng giám sát chặt, không để nhân viên móc nối với cơ sở đổi tiền, tuồn tiền lẻ ra ngoài.  
TIN LIÊN QUAN
Không in tiền 5.000 đồng trở xuống, xử phạt ngân hàng tuồn tiền lẻ ra ngoài
Thêm tiền 5.000 đồng được dừng in mới trong dịp Tết ất Mùi 2015

Dừng in mới 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng

Sáng nay (21/1), NHNN tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt, tiền mệnh giá nhỏ và đảm bảo hoạt động động ATM an toàn, thông suốt dịp Tết Ất Mùi 2015.

Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ Nguyễn Chí Thành cho biết năm nay sẽ tiếp tục không in tiền mệnh giá nhỏ để cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. “Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, NHNN không in các loại tiền mệnh giá nhỏ. Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo. Theo tính toán, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000đ trở xuống trong dịp Tết Nguyên đán 2015 sẽ giúp NHNN tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng", ông Thành nói.

Như vậy, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp NHNN hạn chế phát hành tiền lẻ mới trong dịp Tết. Trước đó, năm 2013, NHNN dừng in tiền 500 đồng mới trong dịp Tết. Năm 2014, NHNN tiếp tục dừng in thêm hai loại tiền 1.000 đồng và 2.000, năm nay bổ sung thêm tờ 5.000 đồng vào dịp Tết.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc dừng in các đồng tiền mệnh giá nhỏ này trong 3 năm qua đã giúp NHNN tiết kiệm 1.084 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Mục đích của việc dừng in mới các loại tiền mệnh giá nhỏ vào dịp Tết là để hạn chế sử dụng các đồng tiền này vào hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội.

Để đảm bảo nhu cầu thanh toán, các loại tiền mệnh giá nhỏ đã sử dụng (tiền cũ) vẫn được cung ứng bình thường.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về cả số lượng và cơ cấu mệnh giá của dịp Tết Nguyên đán 2015, NHNN đã chủ động xây dựng phương án cung ứng tiền mặt và điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiền mặt của tổ chức và cá nhân”.

 Khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh.

Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.

Phạt nặng nhân viên tuồn tiền lẻ ra ngoài

Việc hạn chế in mới tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết là chủ trương đúng đắn của NHNN. Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền lẻ hiện vẫn hoạt động khá công khai tại nhiều địa phương trên cả nước với lượng tiền mới rất lớn. Câu hỏi đặt ra là lượng tiền này từ đâu mà có? Liệu có phải các nhà băng găm tiền mệnh giá nhỏ và tuồn ra cho dịch vụ đổi tiền ngầm?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, lượng tiền mới mệnh giá nhỏ có thể vẫn còn tồn một ít tại một số các ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được đưa ra thị trường vào dịp Tết. Lượng tiền mới mà các cơ sở đổi tiền có được, theo ông Tú, có thể là do người dân giữ từ lâu và ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Thực tế, tiền mệnh giá nhỏ do giá trị không lớn nên nhiều người dân vẫn găm giữ để kinh doanh vào dịp Tết.

Tuy vậy, Phó Thống đốc cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cơ sở đổi tiền lẻ vào Tết năm nay.

"Chúng tôi đã có văn bản tới các bộ ban ngành để cùng hỗ trợ tuyên truyền. Các năm vẫn còn hiện tượng có các bàn đổi tiền, năm ngoái có nơi mạnh tay xử phạt có nơi chưa. Năm nay Chính phủ đã có Nghị định 96/2014/NĐ-CP, theo đó, đổi tiền là hoạt động không được phép, mức xử phạt đối với vi phạm đổi tiền lấy chênh lệch là 20-40 triệu đồng. Các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để phối hợp xử phạt các vi phạm này".

TIN LIÊN QUAN
Gần Tết, tiền lẻ lại 'nóng'
Hà Nội tổng tấn công dịch vụ đổi tiền lẻ
Bị cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ hùa nhau lên mạng

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư