Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Không nên chờ đến 2028 mới vận hành chính thức thị trường tín chỉ carbon Việt Nam
Nhung Bùi - 11/09/2024 09:20
 
Việt Nam đã có chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon, song quá trình triển khai còn nhiều ách tắc, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ để không bị "lỗi thời" so với thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn một thông tin thú vị liên quan đến phát thải carbon, đó là việc chính phủ Mỹ yêu cầu nữ ca sĩ Taylor Swift mua tín chỉ carbon. Nguyên nhân đến từ việc sử dụng máy bay riêng của cô phát thải quá nhiều khí carbon (CO2) ra môi trường.

Công ty marketing Yard (Anh) đánh giá, Taylor Swift là người nổi tiếng tạo ra lượng phát thải CO2 cao nhất trong năm 2022, gấp 1.100 lần lượng khí thải trung bình của một người.

“Giả sử Taylor Swift muốn mua tín chỉ carbon từ Việt Nam, chúng ta sẽ bán thế nào, định giá ra sao?”, ông Lực đặt vấn tại Diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh", tổ chức ngày 10/9/2024 ở Hà Nội.

Diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh" tại Hà Nội.

“Muốn xanh hóa, không bị lỗi thời, Việt Nam cần đẩy nhanh lộ trình hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề cấp thiết, không nên chờ đến năm 2028”, ông khẳng định.

Thực tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2020 quy định phát triển thị trường carbon trong nước là một trong những biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. 

Tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Việt Nam đã quy định lộ trình phát triển thị trường cacbon trong nước gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; đồng thời thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025

Giai đoạn từ năm 2028, chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Việt Nam có chủ trương, chính sách rõ ràng về thị trường carbon, nhưng ách tắc nằm ở khâu thực thi và hướng dẫn thực thi”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Thông tin thêm về vấn đề thị trường carbon, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Hiện nay, dự thảo đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt.

Theo đó, hàng hóa trên thị trường carbon trong nước bao gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch. Việc trao đổi, mua bán, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thực hiện tập trung trên sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước.

Bà Nga nói rằng, thực tiễn cho thấy, thị trường carbon là công cụ quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh. Có tới 83% các tuyên bố NDC (Nationally Determined Contributions - Đóng góp do quốc gia tự quyết định: Cam kết mà các quốc gia đưa ra theo Hiệp định Paris để giảm phát thải khí nhà kính như một phần của mục tiêu chống biến đổi khí hậu, PV) nêu rõ ý định sử dụng các cơ chế thị trường quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính.

Một số nước đang tích cực phát triển thị trường carbon như Costa Rica, Campuchia, Namibia và Ghana.

“Trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới”, bà Nga nhấn mạnh.

Thuế carbon là loại thuế được áp dụng trực tiếp cho việc sản xuất khí thải nhà kính hoặc nhiên liệu thải ra các loại khí thải này khi chúng bị đốt cháy. Năm 1990, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế carbon.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có ý định áp dụng thuế carbon, do đã có nhiều loại thuế, phí đóng góp quan trọng vào việc giảm phát thải carbon như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường. Ngân hàng Thế giới (WB) nhiều lần đề xuất Việt Nam áp dụng thuế carbon, song các chuyên gia đánh giá vấn đề này cần cân nhắc cẩn thận, tránh tình trạng “thuế chồng thuế”.

“Mỏ vàng” tín chỉ carbon trong ngành nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam dần bắt kịp với xu hướng trao đổi tín chỉ carbon của thế giới, khi nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư