Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 29 tháng 08 năm 2024,
Càng chậm hình thành sàn giao dịch carbon, Việt Nam càng bị thiệt khi xuất hàng vào EU
Nhung Bùi - 26/08/2024 16:15
 
Từ đầu năm 2026, một số nhóm hàng hóa nhập khẩu vào EU phải trả phí carbon. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon và nộp khoản phí này ngay từ trong nước, doanh nghiệp Việt sẽ được khấu trừ khi xuất hàng vào châu Âu.

Thông tin được ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị tường tín chỉ carbon”.

Theo ông Long, từ năm 2005, EU đã thiết lập thị trường giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên trên thế giới, chính là Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Hệ thống này bao gồm 10.000 doanh nghiệp châu Âu, hoạt động trong 3 lĩnh vực phát thải nhiều khí carbon ra môi trường, gồm năng lượng, công nghiệp, hàng không.

Mỗi doanh nghiệp được phân bổ một lượng hạn ngạch phát thải carbon nhất định, từ đó dẫn tới hai trường hợp: Doanh nghiệp vận hành tốt, lượng phát thải carbon dưới hạn ngạch phân bổ, do vậy doanh nghiệp còn dư một phần hạn ngạch và được phép bán phần dư đó. Ngược lại, những cơ sở kiểm soát kém, phát thải vượt qua phần hạn ngạch phân bố, bắt buộc phải mua thêm quyền phát thải từ bên bán.

Cơ chế mua bán này giúp doanh nghiệp châu Âu có thêm nguồn thu từ hoạt động giảm phát thải CO2, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục áp dụng các công nghệ mới hướng tới bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên để tránh “rò rỉ carbon”, tức doanh nghiệp chuyển hoạt động phát thải carbon ra nước ngoài, sau đó lại tiếp tục nhập hàng hóa vào châu Âu, từ năm 2023, châu Âu ban hành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism-CBAM). Cơ chế này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu thuộc 6 nhóm hàng, gồm xi măng, phân bón, sắt thép, hidro, điện, nhôm, cũng phải trả phí carbon nếu lượng phát thải carbon vượt quá hạn ngạch.

“CBAM là sự nối dài của EU ETS, đảm bảo không có bất lợi cạnh tranh giữa hàng hóa sản xuất trong và ngoài châu Âu”, ông Đặng Thanh Long cho biết.

Thời hạn áp CBAM với hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu được chia làm 2 giai đoạn. Từ 1/10/2023 - 31/12/2025 (giai đoạn học tập), các doanh nghiệp nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa vào Châu Âu phải khai báo lượng khí thải ẩn trong hàng hóa, làm quen với cơ chế CBAM và châu Âu thu thập cơ sở dữ liệu để ban hành cơ chế và hạn ngạch chính xác.

Từ 1/1/2026 (giai đoạn áp dụng), các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa này phải trả phí phát thải carbon vượt quá hạn ngạch tính trên mỗi tấn hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon, hàng hóa xuất sang châu Âu đã bị tính phí carbon tại Việt Nam, thì khi xuất vào thị trường châu Âu, khoản phí carbon sẽ được khấu trừ.

“Thị trường carbon Việt Nam vận hành muộn sẽ làm chúng ta bị thiệt. Vì khoản phí carbon sang châu Âu sẽ bị châu Âu thu hết. Còn nếu chúng ta vận hành sàn giao dịch carbon sớm, Việt Nam thu được phí carbon, doanh nghiệp xuất hàng sang châu ÂU được khấu trừ, đó là cái lợi rõ ràng”, ông Long khẳng định.

Theo các chuyên gia, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Với doanh nghiệp Việt Nam- đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.

Trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Đề xuất cơ chế bù trừ, trao đổi tín chỉ carbon cho mô hình trồng lúa phát thải thấp
Đây là một trong những bước quan trọng để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình trồng lúa truyền thống sang mô hình carbon thấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư