Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Cần 150.000 nhân sự có chuyên môn
Hoài Sương - 17/08/2024 11:42
 
Hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

Không bỏ lỡ cơ hội phát triển

Ngày 16/8, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”.

Hiện nay, Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero 2050). Trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Theo ước tính, riêng lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.

Tọa đàm với chủ đề: “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon”.

Theo ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam (chuyên về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận sản phẩm), nếu Việt Nam sớm có thị trường tín chỉ carbon thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng điều kiện về carbon khi xuất hàng hóa sang châu Âu mà còn giữ lại được một nguồn tài chính ở trong nước.

Đây là cơ hội rất lớn, do đó, đa số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hay nông dân đều đặc biệt quan tâm đến tín chỉ carbon và việc đáp ứng yêu cầu về tín chỉ carbon, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon để có thể hưởng lợi từ đó. 

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. 

Năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD, đây là tiền đề để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng. 

“Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới”, ông Vinh kỳ vọng.

Nhiễu thông tin trong việc mua bán tín chỉ carbon

Theo TS Trần Minh Hải, phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (viết tắt là Đề án) không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo.

Tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh như: Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Nhiều doanh nghiệp hiểu sai hoặc làm nhiễu thông tin trong việc mua bán tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, TS Trần Minh Hải cho biết, mục đích chính của Đề án không phải để bán tín chỉ carbon kiếm lời. Đang có nhiều doanh nghiệp nói quá hoặc làm nhiễu thông tin về tín chỉ carbon từ lúa mà thực chất là đi kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

Theo đó, Đề án này nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, phát triển bền vững và đặc biệt là tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đó mới là mục tiêu lớn và trong mục tiêu tổng thể này việc bán tín chỉ carbon là phần nhỏ.

“Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đến các vùng trồng lúa và cam kết sẽ mua với giá 20 USD/tín chỉ carbon. Hoặc cũng có doanh nghiệp cắm bảng xuống ruộng rồi “nói quá” là ruộng đang làm tín chỉ carbon nhưng thực chất là kinh doanh vật tư nông nghiệp”, TS Trần Minh Hải chia sẻ.

Hiện nay, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại tín chỉ carbon trồng lúa (giảm thải), mà mới chỉ có các dự án. Ngay cả các chi phí để tính được giá thành 1 tín chỉ carbon cũng chưa được thống nhất.

TS Trần Minh Hải  cho biết, theo tính toán, để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 10 USD/tín chỉ carbon. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon.

Nâng cao năng lực để phát triển bền vững

Trước việc nhiều doanh nghiệp nói quá hoặc làm nhiễu thông tin về tín chỉ carbon từ lúa, ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như: Đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật… để nông dân và các doanh nghiệp nắm rõ thông tin.

Ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) chia sẻ tại toạ đàm.

Không những thế, trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết.

Hiện TP.HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon. Để có thể tham gia một cách tích cực, bền vững, ông Sơn đề xuất tập trung nâng cao nhận thức, thông qua hệ thống tuyên truyền viên chính thức, được tập huấn trực tiếp thông qua Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường.

Đồng tình với ý kiến, TS Lê Hoàng Thế, để có thị trường tín chỉ carbon, chúng ta không thể mơ mộng “có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh”, mà phải có nguồn nhân lực để thực hiện các kỹ thuật khai thác, đàm phán và giao dịch.

Trước mắt, cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải không thể không mua tín chỉ carbon. Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon, nên Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

“Thị trường mua bán tín chỉ carbon Việt Nam cần những nhân sự về môi giới chuyên nghiệp để tham gia bán tín chỉ như sàn giao dịch chứng khoán. Những môi giới này sẽ được hình thành ở những doanh nghiệp hoặc người dân quan tâm đến thị trường này”, Giám đốc Công ty TNHH Hệ Sinh Thái VOS Holdings nhận định.

Với vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các đối tác như Tập đoàn Intertek và Công ty The VOS để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về tín chỉ carbon. 

Các khóa học này được thiết kế để trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng thực tế, giúp họ tự tin tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng "chuyển đổi kép"
Doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc sản xuất - xuất khẩu, tập trung mạnh vào "chuyển đổi kép", tức là vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư