Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không nên quy định có kinh tế ổn định và phát triển mới là "gia đình văn hoá"
Nguyễn Lê - 27/05/2022 15:40
 
Đai biểu Quốc hội đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu "gia đình văn hóa".
.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận.

"Khi bàn về danh hiệu gia đình văn hóa, hẳn các đại biểu tái cử đều không quên một câu chuyện của một đại biểu khóa XIV cho biết đã thẳng thừng từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa và đây không còn là chuyện riêng của ông, bởi trong quá trình tham vấn chính sách về thực hiện dân chủ ở cơ sở, sự quan tâm của xã hội đối với danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này ít nhiều bớt đi, hay không ít câu chuyện cười ra nước mắt đối với các hộ gia đình nhận danh hiệu gia đình văn hóa".

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã phát biểu như thế khi tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi tại Quốc hội, sáng 27/5.

Điều 31 Dự thảo luật quy định: Danh hiệu “gia đình văn hóa” được xét tặng hằng năm cho hộ gia đình đạt các tiêu chuẩn sau đây:

a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, lao động, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự của địa phương;

b) Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng;

c) Có kinh tế ổn định và phát triển.

Những quy định này, theo ông Nhân là chưa rõ ràng, vẫn sẽ là một thách thức không hề nhỏ để có thể triển khai và mang lại ý nghĩa khen thưởng, động viên thực chất trong thực tế.

Làm thế nào để lượng hóa tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển, thang mức nào để làm cơ sở tham chiếu để xác định một gia đình có kinh tế ổn định và phát triển, gia đình thu nhập tăng lên có thể được xem là một trong những cơ sở tham chiếu cho quy định trên, nhưng khi thu nhập tăng thì giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thực tế đã diễn ra trong suốt thời gian qua, thu nhập tăng đó có đảm bảo cho sự phát triển?, ông Nhân đặt vấn đề.

Băn khoăn tiếp theo của vị đai biểu Bình Dương là đối với hơn 1 triệu hộ gia đình nghèo, cận nghèo có đời sống kinh tế bấp bênh cũng như đời sống dân cư, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa quy định có kinh tế ổn định và phát triển phải được hiểu thế nào với tình trạng tái nghèo vẫn còn rất cao, cùng với sự chông chênh, khó đoán định của hoàn cảnh khách quan mà đại dịch vừa qua là một ví dụ cho sự thiếu ổn định về kinh tế đối với nhóm yếu thế này.

Quy định có kinh tế ổn định và phát triển được xem là một chủ ý tốt, nhưng xã hội vẫn còn đó những nhóm yếu thế thì quy định này không những khó lượng hóa mà còn không thể bao trùm và công bằng cho toàn bộ các đối tượng mà nó đặt ra.

Nhấn mạnh như trên, đại biêu Nhân đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu gia đình văn hóa, nhằm tránh sự lúng túng cho chính quyền địa phương trong quy định chi tiết và đồng thời địa phương cũng sẽ không đủ thông tin dữ liệu để đánh giá tiêu chuẩn có kinh tế ổn định, phát triển và lâu dần sẽ chở nên xuề xòa và hình thức.

Đại biểu Nhân cũng đề nghị thay quy định thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng bằng thường xuyên gắn bó, đoàn kết mọi người trong cộng đồng. Bởi gia đình nào thiếu sự gắn kết, sống biệt lập với cộng đồng xung quanh sẽ dễ dàng nhận biết hơn so với việc xem xét tính thường xuyên, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

Nhắc lại việc một đại biểu khóa XIV cho biết đã thẳng thừng từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ông Nhân cho rằng, điều đó  phần nào cho thấy cách làm thiếu chặt chẽ, công khai, dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn.

Người cho biết từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Ông Bộ đã cho biết điều này khi Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em. Khi đó, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đã đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá. Bởi theo ông, việc này quá hình thức và quá tốn kém lãng phí.

Ông Bộ khẳng định việc trao danh hiệu gia đình văn hoá nhiều trường hợp rất phản cảm, trong làng ma tuý tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá. Vì thế, ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất, đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý.

Trong phát biểu của mình, đại biểu Nhân cũng tâm tư: "Đằng sau mỗi danh hiệu gia đình văn hóa, chúng ta có đảm bảo những đứa trẻ được sống trọn vẹn trong tình yêu thương mà chưa một lần bị bạo lực về tinh thần bởi những lời nói, lời nhận xét của cha, mẹ, khi cộng đồng xã hội không thể đi sâu vào mỗi nếp nhà và đủ thấu hiểu để xem xét cho danh hiệu gia đình văn hóa".

Sửa Luật Thi đua, khen thưởng: Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất
Hiện tại, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc khen thưởng vẫn tập trung nhiều vào cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư