Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Không “phanh gấp” việc giảm giới hạn cấp tín dụng
Thùy Liên - 15/01/2024 08:17
 
Thay vì giảm đột ngột giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng như dự thảo cũ, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất đã đưa ra một lộ trình giảm trong vòng 5 năm.

Giãn thời gian giảm giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm

Một trong những nội dung của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được cá doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là quy định về giới hạn cấp tín dụng.

Luật các tổ chức tín dụng hiện hành quy định: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 11/2023 đã giảm mạnh tỷ lệ này về lần lượt 10% và 15%. Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, việc giảm đột ngột giới hạn cấp tín dụng khiến ngân hàng có thể cũng sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay. Nhiều đại biểu quốc hội cũng đã đề nghị cần quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể, đồng thời, giao Chính phủ quy định lộ trình này.

Chính vì vậy, trong dự thảo được trình tại kỳ họp bất thường diễn ra chiều nay (15/1), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:

Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

 Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Tổng mức dư nợ tín dụng cấp cho một khách hàng không được vượt 15% vốn tự có

Các quy định khác về giới hạn tín dụng không có nhiều thay đổi so với dự thảo. Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

 Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

 Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể. Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó…

Chuyển nhượng tài sản nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang dang dở sẽ được tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực từ cuối năm 2023. Tuy vậy, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề nghị các giao dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư