Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Không sợ thiếu tiền mặt ngày Tết
Vân Linh - 09/02/2018 08:19
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, không sợ thiếu tiền mặt lưu thông, kể cả trong dịp cao điểm Tết, đảm bảo đủ cơ cấu, giúp việc lưu thông tiền mặt luôn được thông suốt.
TIN LIÊN QUAN

Tình hình lưu thông tiền dịp Tết chắc chắn cao hơn so với ngày thường, phía NHNN đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, NHNN TP.HCM đã có nhiều buổi làm việc với các ngân hàng thương mại, ban lãnh đạo các khu chế xuất, khu công nghiệp, công ty sản xuất có quy mô lớn, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm tất cả người lao động đều nhận được tiền mặt ăn Tết. Đối với các ngân hàng thương mại, tất cả ngân hàng bắt buộc phải lập 2 bộ phận, nôm na như 2 đội phản ứng nhanh.

.
.

Đối với hệ thống ATM thì thế nào, liệu có lặp lại tình trạng không rút được tiền như mọi năm?

Đối với việc cung ứng tiền vào hệ thống ATM, đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng, nhất là đối với lượng công nhân tại các khu công nghiệp, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo xuống các ngân hàng từ rất sớm trước Tết, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời. Đội đầu tiên có trách nhiệm phải khắc phục sự cố cây ATM một cách kịp thời và nhanh chóng, không để xảy ra chuyện các cây ATM không hoạt động kéo dài trong 24 giờ. Nếu quá 24 giờ, cây ATM đó vẫn không hoạt động, phải báo về NHNN Thành phố để chúng tôi có biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Đội thứ hai chuyên môn tiếp quỹ ở các cây ATM và việc tiếp quỹ này sẽ phải thực hiện 24/24 giờ, nhất là ở các cây ATM tại khu vực đông dân cư, đông công nhân như ở khu chế xuất hay khu công nghiệp.

Theo thống kê, TP.HCM có khoản 4.300 máy ATM, tập trung ở 24 quận, huyện, nhưng mật độ tập trung ở 16 khu công nghiệp và khu chế xuất là cao nhất. Đối với 16 khu chế xuất và khu công nghiệp, chúng tôi yêu cầu Ban lãnh đạo các khu phải lên kế hoạch chi lương thưởng hợp lý, hỗ trợ ngân hàng. Ban lãnh đạo các khu sau khi xem xét thời gian chi lương thưởng của các công ty, có thể điều tiết hoặc đề nghị các công ty giãn ra, tránh tình trạng chi tập trung và cấp tập đối với các công ty sản xuất, có lượng công nhân lớn. Nếu vì lý do bất khả kháng nào đó, mà công ty không thể điều chỉnh thời gian chi lương, thưởng phù hợp, chúng tôi sẵn sàng cử nhân viên xuống chi tiền mặt trực tiếp, theo bảng lương của công ty, đảm bảo tất cả người lao động đều nhận được lương thưởng kịp thời, ăn Tết vui vẻ.

NHNN đã có biện pháp gì để có thể cung cấp đủ nhu cầu tiền mặt tăng đột biến trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, thưa ông?

Từ đầu quý IV/2017, chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và hệ thống kho bạc lên kế hoạch tiền mặt của mình, vì nhu cầu tiền mặt trong quý IV và Tết rất lớn, luôn chiếm tỷ trọng từ 35 - 40% trong tổng doanh số chi tiêu tiền mặt cho cả năm. Chúng tôi cũng đã chủ động lên kế hoạch cho việc sử dụng lượng tiền mặt này, kể cả tiền mặt cho sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết; tiền mặt cho ngân sách để chi lương, thưởng, an sinh xã hội cũng như các công trình/dự án của Thành phố.

Nói chung, đến giờ phút này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ, người dân không sợ thiếu tiền mặt lưu thông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đảm bảo đủ cơ cấu, giúp việc lưu thông tiền mặt luôn được thông suốt.

Theo ông, trước xu hướng lãi suất tiết kiệm hiện nay, lãi suất cho vay đầu năm 2018 liệu có giảm được?

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay rất tích cực, là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện trong nhiều năm qua. Thanh khoản dồi dào và bền vững so với trước là cơ sở để các ngân hàng thực hiện việc giảm lãi suất cho vay. Đây là sự chủ động của các ngân hàng, không phải do mệnh lệnh từ phía NHNN.

Khác với trước đây, đối với việc giảm lãi suất trong 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN phải ban hành quyết định, từ đó yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chấp hành. Đối tượng giảm lãi suất cho vay lần này chủ yếu là ở 5 lĩnh vực ưu tiên, có cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mức giảm phổ biến là 0,5%/năm, có ngân hàng còn giảm tới 1%/năm. Trước đây, đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn bằng VND, nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất khoảng 6%, thì nay có ngân hàng chỉ cho vay với lãi suất 4,5 - 5%.

Theo thông lệ hàng năm, vào khoảng thời gian này, các ngân hàng thường đua nhau tăng lãi suất, vì nhu cầu vốn cho kinh doanh, sản xuất, dự trữ tăng cao, thanh khoản ngân hàng thường có giới hạn. Nhưng năm nay, ngược lại, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất từ đầu năm 2018, trước Tết Nguyên đán.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư