Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Vân Linh - 08/08/2013 08:00
 
Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2013, song tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn  ở mức rất thấp. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, sẽ không đẩy mạnh tăng trưởng cho vay bằng mọi giá, khi nợ xấu vẫn luôn là mối lo thường trực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, để thu hút được khách hàng tốt cho vay, hiện các ngân hàng phải cạnh tranh lãi suất ở mức thấp nhất, thậm chí, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu còn xuống dưới cả trần lãi suất huy động (là 7%/năm).

“Thế nhưng, ngân hàng rất khó để có thể kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh này”, ông Dũng thừa nhận.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank

Sức khỏe doanh nghiệp yếu, nhu cầu vốn giảm, cộng với sức mua kém, hàng tồn kho tăng là rào cản lớn với tăng trưởng cho vay của ngân hàng.

Hiện lãi suất cho vay áp dụng đối với doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ) chỉ còn 9 - 11%/năm.

Còn đối với các lĩnh vực khác, lãi suất cho vay khoảng 11 - 12%/năm đối với ngắn hạn và 12 - 13%/năm đối với trung- dài hạn. Riêng cho vay cá nhân, lãi suất dao động trong khoảng 11 - 14%.

Lãi suất cho vay giảm, song tín dụng của nhiều ngân hàng lớn vẫn thấp, thậm chí là âm. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ vẫn âm 1,1%.

Tương tự, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm của Eximbank cũng mới đạt 5,7%, so với chỉ tiêu cả năm 12 - 15%.

Nợ xấu là mối đe dọa chính khiến dư nợ tín dụng của các ngân hàng khó tăng. Vì thế, nguồn thu từ hoạt động tín dụng đóng góp vào lợi nhuận giảm dần, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay.

Một lãnh đạo cấp cao của HDBank nhận xét, trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ khăng khăng đòi hỏi tài sản thế chấp thì sẽ có rất ít khách hàng đáp ứng được; chỉ những doanh nghiệp đưa ra các phương án chứng minh được khả năng trả nợ khả thi, thì ngân hàng mới “rót” vốn.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, để khơi thông dòng chảy vốn và kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, ngành ngân hàng đang nỗ lực đưa vốn đến doanh nghiệp và kể cả khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà, tiêu dùng…

“Thế nhưng, nợ xấu vẫn là mối lo lớn buộc các ngân hàng phải thận trọng, khi cho vay. Vì thế, tăng trưởng tín dụng sẽ khó kỳ vọng đạt mức cao”, ông Minh thừa nhận.

Theo số liệu thống kê toàn ngành, tính đến ngày 24/7, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng thương mại chỉ là 4,91%, trong khi mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho cả năm nay là 12%. Theo đánh giá của các chuyên gia, rất khó đạt được mục tiêu 12% này.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nợ xấu tăng qua các tháng và nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu. Điều này đã dẫn tới số tiền dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Cụ thể, nợ xấu nhóm 5 của ngành ngân hàng tăng từ 64.200 tỷ đồng vào cuối năm 2012, lên 71.700 tỷ đồng vào cuối tháng 5/2013 (tăng 7.500 tỷ đồng).

Vì thế, quan trọng hơn với các ngân hàng lúc này chính là kiểm soát nợ xấu. Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chưa hẳn kỳ vọng tín dụng tăng cao đã tốt, nếu nợ xấu không được kiểm soát, bởi bài học thực tế cho thấy, tín dụng tăng cao và thiếu sự kiểm soát trong những năm 2008 - 2009 đã để lại hậu quả nợ xấu tai hại như thế nào.

Tín dụng đen: Lòng tham và lỗ hổng pháp lý
Vụ vỡ nợ tín dụng đen lên đến hàng trăm tỷ đồng vừa được phát hiện ở Lạng Sơn cho thấy, khi ham muốn làm giàu chóng vánh còn thường trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư