Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Không thay đổi mục tiêu kinh tế - xã hội, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp
Hà Nguyễn - 12/02/2020 15:24
 
Báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan và chủ động sớm dự liệu giải pháp để vượt qua những tác động của dịch cúm Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Chiều nay, Thường trực Chính phủ đã có phiên họp để đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh này.

Bộ cũng đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo đó, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020, thì tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt 6,25% giảm 0,55 điểm phần trăm so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.

Còn trong trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020, thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm phần trăm so vớiNnghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020.

Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Cách đây ít ngày, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nếu dịch kết thúc trong quý I, thì tăng trưởng GDP cả năm là 6,27%. Còn nếu dịch kết thúc trong quý II, tăng trưởng GDP là 6,09%.

Như vậy, trong kịch bản cập nhật này, tốc độ tăng trưởng dự báo thấp hơn so với kịch bản báo cáo Chính phủ hôm 5/2. Điều đó có nghĩa, tác động của dịch bệnh Covid-19 là khôn lường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Bộ sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản, tùy tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào để có giải pháp ứng phó.

Còn trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phương châm điều hành là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.

Cụ thể, sẽ bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, toàn diện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bảo đảm hiệu quả của từng giải pháp cũng như hiệu quả cộng hưởng của các nhóm giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát dịch.

Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm và tiến độ xử lý, thực hiện các giải pháp, phải quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch.

Đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để vừa ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; vừa kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch, duy trì sản xuất và tiêu dùng; đồng thời khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc.

Một phương châm quan trọng khác, đó là hạn chế tối đa ảnh hưởng kép/cộng hưởng từ dịch do virus Corona và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên.

Theo khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia trong khu vực cũng đều có cùng phản ứng là: ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, bên cạnh các giải pháp để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, ở giai đoạn “hậu dịch”, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020.

Bên cạnh đó, giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư