Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14
Không thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”
Thế Hải - 30/05/2018 18:23
 
Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục. Bởi vậy, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo luật Giáo dục đại học.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, không không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lưu ý, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, sáng 30/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật Giáo dục đại học 2012 tạo “nút thắt”

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế 5 năm qua đã cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như sự vận động, biến đổi không ngừng của đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, những hạn chế, bất cập này của Luật giáo dục đại học năm 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.

"Do vậy, giáo dục đại học cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi này", Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

"Giáo dục đại học ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu."

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31/73 điều; giữ nguyên 42 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 01 điều và 01 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 05 điều; thay thế cụm từ tại 01 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.

Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước để thực hiện tự chủ đại học, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật giáo dục đại học năm 2012, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện phát triển và hội nhập.

Không thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Ông Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với các quy định về việc đa dạng hóa các nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đào tạo; việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo.

Về loại hình cơ sở giáo dục đại học, đa số thành viên Ủy ban đồng ý với việc phân loại cơ sở giáo dục đại học theo sở hữu như thể hiện trong Dự thảo Luật nhưng đề nghị cần làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngay trong Luật này. Có một số ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành.

Về giá dịch vụ đào tạo, theo ông Bình, đa số ý kiến tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo luật.

Lý giải cho việc này, ông Phan Thanh Bình cho biết, việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục, Báo cáo thẩm tra lưu ý và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

[Infographic] Hà Nội đề xuất tăng học phí các cấp
Mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội năm học 2018-2019 dự kiến tại thành thị sẽ tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư