Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Không thể cấm kinh doanh mại dâm
Mạnh Bôn - 09/09/2014 13:23
 
() Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về những quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư sửa đổi, nhằm làm rõ vào "xương sống" của Dự luật này. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ Tài chính không còn ngành nghề cấm kinh doanh
Lúng túng xử lý nạn mại dâm ở phố "vẫy" Biên Hòa
Ngành nghề cấm kinh doanh: Sốt ruột vì bộ, ngành "câu giờ"
Ai có quyền cấm kinh doanh massage, vũ trường, karaoke?
Bắt sinh viên trường nghệ thuật và cựu vận động viên bán dâm
Lệnh đóng cửa phố đèn đỏ lớn nhất ASEAN gây tranh cãi

Theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mới nhất chỉ còn 11 ngành nghề bị cấm kinh doanh thay vì 51 ngành nghề như hiện nay. Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao quyết tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trong việc loại bỏ tối đa ngành  nghề cấm kinh doanh, tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để có thể giảm tiếp một số ngành nghề kinh doanh bị cấm.

  Không thể cấm kinh doanh mại dâm  
  Ông Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội  

Ông Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị xem lại quy định cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng vì cho rằng không phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng.

Trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng... của lực lượng vũ trang hiện nay, theo ông Ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá quân đội, nên cần phải mở cho các thành phần kinh tế khác được tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

“Chúng ta có nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, có thể sản xuất trang thiết bị, khí tài, phương tiện chuyên dùng theo đơn đặt hàng của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng cho lĩnh vực quân sự, nếu chúng ta cấm thì không huy động được các thành phần kinh tế khác tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội. Vì vậy, thay vì cấm, nên đưa hoạt động đầu tư này vào đầu tư có điều kiện”, ông Ngũ đề xuất.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phạm Đức Châu, Lê Đức Lâm cũng cho rằng, không nên cấm kinh doanh trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng... mà thay vào đó chuyển lĩnh vực này sang lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

“Cấm đầu tư, kinh doanh thì không ai được đầu tư, kinh doanh, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quốc phòng lẫn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng trên thực tế, lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thể không có trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng... Có nghĩa là chúng ta không thể cấm đầu tư, kinh doanh được mà là kinh doanh có điều kiện”, ông Lịch phân tích.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn về quy định cấm kinh doanh mại dâm.

  cấm kinh doanh mại dâm, karaoke  
  Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, nếu đưa mại dâm vào ngành nghề kinh doanh bị cấm, thì đồng nghĩa với việc gián tiếp thừa nhận mại dâm là một nghề  

“Hệ thống pháp luật của chúng ta không thừa nhận mại dâm là một nghề, không công nhận mại dâm là lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta không thừa nhận nên không thể cấm, nếu chúng ta cấm mại dâm thì chẳng khác gì gián tiếp thừa nhận mại dâm là một nghề, là lĩnh vực kinh doanh”, ông Vinh bày tỏ quan điểm và đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại điều khoản này để người dân không suy diễn là Việt Nam thừa nhận mại dâm, chỉ có điều lĩnh vực này bị cấm.

Cho ý kiến vào tiêu chí xác định ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ông Hồ Trọng Ngũ và nhiều đại biểu khác vẫn bày tỏ băn khoăn với quy định của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi.

Theo Dự thảo, ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm ngành nghề có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người; có nguy cơ xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội; có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng; có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

“Quy định như Dự thảo rất khó thực hiện, bởi trên thực tế kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, môi trường... Đơn cử như bán gạo cao hơn giá thị trường tức là đã xâm hại tới quyền và lợi ích cộng đồng, nếu cứ lấy tiêu chí này làm điều kiện kinh doanh thì cơ quan quản lý nhà nước “tha hồ” thanh tra, kiểm tra và chắc chắn sẽ nảy sinh tiêu cực, gây khó dễ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân”, ông Ngũ lo ngại và đề nghị thiết kế lại các tiêu chí ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải có quy định chặt chẽ thế nào là xâm hại tới tính mạng, sức khỏe của con người, lợi ích cộng đồng, môi trường.

Đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 368 ngành nghề xuống chỉ còn 326 ngành nghề, song Đại biểu Trần Ngọc Vinh vẫn tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “mạnh tay” thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện hơn nữa.  

“Đọc kỹ phụ lục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cùng Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, tôi thấy rất nhiều ngành nghề có điều kiện cũng được, không có cũng chẳng chết ai. Bô Kế hoạch và Đầu tư phải quyết liệt hơn nữa trong việc loại bỏ những ngành nghề kinh doanh không cần phải áp điều kiện”, ông Vinh đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư