Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Không thể để thị trường bất động sản rơi tự do
Quang Hưng - 07/04/2013 09:17
 
Để thị trường bất động sản rơi tự do sẽ dẫn tới hệ lụy mang tính hệ thống của nhiều ngành kinh tế - xã hội. Nhưng vấn đề là phải "cứu" hay hỗ trợ ai, như thế nào?
TIN LIÊN QUAN

Đó là quan điểm của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP. Nha Trang.

Thực ra, quan điểm này không mới, bởi việc giải cứu thị trường bất động sản đã được khẳng định tại Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ (Nghị quyết 02) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Thế nhưng, ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên đã gây sự chú ý và thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, bởi nó được đưa ra vào thời điểm thị trường bất động sản đang ồn ã bởi cuộc tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia và nhà đầu tư về việc nên hay không nên để thị trường này “rơi tự do” sau khi TS Alan Phan bày tỏ quan điểm của mình với báo giới.

Ông Kiên cho rằng, không thể để thị trường bất động sản rơi tự do bởi sự đóng băng của bất động sản dẫn tới hệ lụy mang tính hệ thống của nhiều ngành kinh tế - xã hội.

Trong những ngày qua, không ít chuyên gia kinh tế cũng đã lưu ý rằng, hàng triệu tỷ đồng của xã hội đang “chôn” vào thị trường bất động sản. Do vậy, cứu thị trường bất động sản còn là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu.

Ngược dòng thời gian, có thể kể tới “phát súng” đầu tiên nhằm ổn định thị trường bất động sản là Nghị định 71/NĐ-CP, ngày 23/6/2010 của Chính phủ, quy định chi tiết và

hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở cùng một số văn bản liên quan, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án cấp I, cấp II. Hàng loạt dự án bất động sản của những chủ đầu tư làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc” bắt đầu gặp khó từ đây, khi giới đầu cơ chùn tay với các chiến dịch đầu cơ lướt sóng bất động sản. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011 nhằm giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất.

Giải cứu thị trường bất động sản là cần thiết, song việc cụ thể hoá các văn bản và việc thực thi chính sách hiện chưa đáp ứng kịp kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân. Cụ thể là đến thời điểm này, mới có Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT - BXD (ngày 8/3/2013) hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước thì vẫn đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng về Dự thảo Thông tư hướng dẫn cho vay với lãi suất ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết 02. Bộ Tài chính cũng chưa ban hành thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 02.

Ngoài ra, chủ trương về việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam cũng đang gặp nhiều vướng mắc, chưa được thể hiện trên thực tế.

Nền kinh tế đã đi qua hơn một phần tư chặng đường của năm 2013. Mọi sự chần chừ, chậm trễ trong việc thực thi các chính sách đã được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011- 2015./.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư