Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Không thể dùng cơ chế hành chính thu hồi đất cho dự án vì mục tiêu lợi nhuận
Nguyễn Lê - 10/03/2023 16:37
 
Nhiều ý kiến tại phiên họp thứ V Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn lo ngại về cơ chế thu hồi đất.
.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đó là quan điểm được PGS.TS. Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu tại phiên họp thứ V Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) diễn ra tại Nhà Quốc hội sáng 10/3.

Cũng như ở nhiều diễn đàn lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo, quy định về thu hồi đất luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Theo bà Nga, Dự thảo đưa ra được khái niệm để giải thích thế nào là “Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Theo đó, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, khái niệm trên chỉ dừng ở việc liệt kê mục đích của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, mà chưa đưa ra được các tiêu chí đối với các dự án này, bà Nga nhận xét.

Bên cạnh đó, đối với dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; Dự án khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản cũng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quan điểm của bà Nga là không phù hợp.

Bởi, đây là những dự án thể hiện rõ mục đích kinh doanh và lợi ích trước mắt, trực tiếp thuộc về chủ đầu tư thực hiện dự án. Vì vậy, không thể đưa vào danh mục các dự án “vì lợi ích quốc gia, công cộng” để áp dụng các quyết định hành chính đơn phương từ Nhà nước trong việc thu hồi đất đối với người dân để thực hiện cho các dự án này.

Việc giữ nguyên quan điểm dùng các các quyết định hành chính để điều tiết các quan hệ mang tính thị trường là hoàn toàn vô lý. Đây cũng chính là lý do việc thu hồi đất trong thời gian qua ít nhận được sự đồng thuận từ người dân. Bởi lẽ, do dự án này tạo ra lợi nhuận nên người bị thu hồi đất thường hay so sánh lợi nhuận của nhà đầu tư dự án sau khi nhận giao đất, thuê đất với lợi nhuận của mình trong bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân về đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng khiếu kiện dân sự.

Sau phân tích trên, bà Nga cho rằng, điều cần nhấn mạnh hơn là việc tiếp tục vẫn quy định các dự án vì mục tiêu lợi nhuận nêu trên thuộc diện Nhà nước thu hồi đất bằng cơ chế hành chính cũng không phù hợp với tinh thần quán triệt tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Cũng liên quan đến thu hồi đất, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận xét cách giải thích về dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 78 của Dự thảo vẫn còn quá chung chung, chưa làm nổi bật được một số tiêu chí cơ bản để phân biệt với các loại dự án phát triển khác.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

"Thiết nghĩ, với cách giải thích này, khó mà kỳ vọng việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ đúng pháp luật và không bị lợi dụng để trục lợi khi Dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, ông Tuyến lo ngại.

Theo vị chuyên gia này, cần sửa đổi, bổ sung giải thích về khái niệm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhấn mạnh vào một số tiêu chí cơ bản để dễ nhận diện loại dự án này.

Một là, mục đích của dự án phát triển kinh tế - xã hội phải mang lại lợi ích chung cho mọi người dân được thụ hưởng trên phạm vi của một xã, một huyện, một tỉnh, một vùng và cả nước.

Hai là, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải chứng minh được khi triển khai thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội hay cải thiện căn bản hệ thống cơ sở hạ tầng của một địa phương, một vùng (một xã, một huyện, một tỉnh) và cả nước.

Ba là, lợi nhuận do dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mang lại được điều tiết vào ngân sách nhà nước mà không rơi vào túi các nhóm lợi ích, một bộ phận tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Bốn là, dự án phát triển kinh tế - xã hội có mục đích mang lại lợi ích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, yêu cầu đặt ra khi sửa luật là cần hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, Dự thảo chưa nêu rõ thế nào là hài hòa lợi ích.

Trên thực tế, việc đảm bảo lợi ích cân bằng hoàn hảo trong cộng đồng là rất khó. Trong điều kiện không tối ưu, cần chú trọng việc bồi thường, chia sẻ thông qua các chính sách đối với các thành phần khác nhau, phối hợp nhiều công cụ khác để đảm bảo lợi ích các bên liên quan, ông Thành góp ý.

Sửa Luật Đất đai: Vẫn “nhẹ” quyền của dân
Các cuộc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ ra nhiều hạn chế lớn, đòi hỏi phải có những thay đổi đột phá để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư