Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Sửa Luật Đất đai: Vẫn “nhẹ” quyền của dân
Nguyễn Lê - 24/02/2023 10:34
 
Các cuộc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ ra nhiều hạn chế lớn, đòi hỏi phải có những thay đổi đột phá để quyền của dân không quá “nhẹ” trong quản lý và sử dụng đất đai.
Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức

Từ câu chuyện túp lều giữa hai tòa lâu đài

Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đang bước vào cao điểm với nhiều hình thức khác nhau.

Tại Hà Nội, một số phường đã gửi phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình với 9 nội dung trọng tâm, gồm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giảm sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Phiếu này được thiết kế để người dân không chỉ thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình về toàn bộ hoặc một phần, mà còn có thể góp ý thêm vào từng nội dung.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... cũng liên tục tổ chức hội nghị, tọa đàm để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đối với Dự thảo. Tại đây, rất nhiều bất cập từ quy định của 9 nội dung trọng tâm nói trên cho đến kỹ thuật lập pháp ở Dự thảo đã được chỉ ra. Đặc biệt, khá nhiều ý kiến của nhân dân và các chuyên gia gặp nhau ở một điểm là khá nhiều quy định vẫn đang “nhường” khó khăn cho dân, chưa xác định rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu (toàn dân) và đại diện của chủ sở hữu (Nhà nước), đặc biệt trong các quy định về thu hồi đất.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trong góp ý của mình, đã kể một câu chuyện ở Mỹ.

Chuyện rằng, có một vị tỷ phú định xây tòa biệt thự đồ sộ, nhưng ở giữa vị trí ông này định xây có căn lều rất nhỏ của một bà cụ. Dù vị tỷ phú trả bao nhiêu tiền, bà cũng không bán, vì đây là nơi chứa đựng cả tuổi thơ của bà. Vì thế, vị tỷ phú phải xây thành 2 tòa nhà hai bên túp lều nhỏ đó.

Thế nên, cứ đi qua đó, người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy mái lều nho nhỏ lọt thỏm giữa 2 tòa lâu đài tráng lệ. Vị tỷ phú cũng rất khôn ngoan, biến thành nơi du lịch, ai đến đó cũng thích và đều ghé xem căn nhà của bà cụ. Hàng ngày, vị tỷ phú cũng cho người đến quét dọn và chăm sóc sức khỏe cho bà cụ. Vì thế, trước khi qua đời, bà cụ không bán, mà tặng lại cho vị tỷ phú căn nhà đó luôn, bởi ông tỷ phú đã sống tình nghĩa, không dùng quyền lực, tiền bạc, nhờ chính quyền can thiệp, mà tôn trọng quyền sở hữu của bà. Sau đó, vị tỷ phú vẫn giữ lại ngôi nhà nhỏ để làm địa điểm du lịch, tôn trọng những gì thuộc về quá khứ.

Tất nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể áp dụng một cách máy móc câu chuyện trên. Song, cũng không thể không quan tâm đến thông điệp của nó, khi mà những bất cập trong thu hồi đất đã gây ra không ít bi kịch cho nhiều gia đình, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng, gây nên những khiếu kiện, bức xúc kéo dài ở nhiều nơi trên cả nước.

Theo nhận xét của luật sư Trần Hữu Huỳnh, Dự thảo tiếp cận thu hồi đất mới chỉ theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi.

Nếu tiếp cận vấn đề một cách nhân văn, phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh. Như vậy, phải làm chính sách một cách toàn diện, chứ không phải cân - đo - đong - đếm.

“Trong cuộc sống, nếu chúng ta đối xử với người bị thu hồi đất một cách nhân văn, thì chúng ta sẽ làm được nhiều việc”, luật sư Huỳnh nhấn mạnh.

Quyền của dân phải thấm đượm sâu rộng

Nhận xét tình trạng tham nhũng, quản lý đất đai, vi phạm của các cơ quan quản lý ngày càng nghiêm trọng, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, toàn bộ nội dung Dự thảo chưa cho thấy những thay đổi đột phá trong quản lý và sử dụng đất.

“Dự thảo vẫn thiên về tăng cường quản lý với cán cân lệch hẳn sang yếu tố siết chặt quản lý nhà nước như các Luật Đất đai trước đây. Điều này có nghĩa, trong tương lai, quản lý nhà nước về đất đai vẫn vậy”, ông Hạnh nhìn nhận.

GS-TS Lê Hồng Hạnh phân tích, quản lý và sử dụng đất đai không được thực hiện với sự tham gia thực chất của người dân thì khó mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Trao quyền cho người sử dụng đất, cho cộng đồng sử dụng đất là yếu tố mà Dự thảo cần đảm bảo bằng những quyền và nghĩa vụ cụ thể.

“Đất đai là sở hữu toàn dân, thì yếu tố dân chủ, yếu tố quyền của người dân phải thấm đượm sâu rộng trong toàn bộ Dự thảo. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy bóng dáng rõ nét về sự tham gia của người dân, cộng đồng. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trưng thu, trưng dụng đất trong Dự thảo vẫn chưa dựa trên nền tảng tiếp cận theo quyền”, ông Hạnh góp ý.

Vị chuyên gia này dẫn ra khá nhiều ví dụ để minh chứng cho nhận xét trên, trong đó có quy định tại Điều 121 liệt kê các loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép gần như không còn chỗ cho việc tự chuyển đổi mục đích.

Liệu tất cả những người sử dụng đất phải tuân theo quy định này hay không? Câu trả lời chưa tìm thấy trong Điều 121. Câu hỏi đặt ra là, liệu đất vườn của người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận, sinh sống lâu năm trên thửa đất đó, nay chuyển sang đất ở để giải quyết nhu cầu nhà ở của gia đình có phải xin phép cơ quan có thẩm quyền không? Nếu buộc phải xin phép thì Dự thảo đi ngược lại quyền tài sản của cá nhân.

Đặt vấn đề như trên, ông Hạnh cho rằng, cần nghiên cứu và quy định lại nội dung Điều 121 trên tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-TW là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, cần rà soát kỹ hơn để các quy định tại Dự thảo để thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai. Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Vấn đề tiếp theo được ông Lý nhấn mạnh là Dự thảo chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu.

Cụ thể, theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó. Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức, đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.

Trực tiếp có mặt nghe các góp ý nói trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn được lắng nghe ý kiến thật cụ thể để khi hoàn thành sửa Luật Đất đai thì thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, nhưng người dân nào đọc cũng hiểu.

Tuy nhiên, tại các cuộc góp ý, ngay cả một số chuyên gia cũng bày tỏ rằng, không thể nào hiểu nổi nhiều nội dung tại Dự thảo, nhất là nội dung liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

“Thời gian góp ý ít quá, chúng tôi vẫn đang thèm góp ý, nhưng hết thời gian, nên mong rằng tiếp tục kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân", PGS-TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) bày tỏ.

Mỗi ý kiến phải được tiếp thu, giải trình nghiêm túc

Chiều 21/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có mặt và lắng nghe toàn bộ ý kiến. Phát biểu sau cùng, ông Hải nói đã ghi chép đầy đủ và sau này sẽ dò lại xem các ý kiến được tiếp thu, giải trình đến đâu. Mỗi ý kiến ngày hôm nay phải được tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc và khoa học.

Ở diễn đàn Quốc hội, ông Hải cho biết, quan điểm của Chủ tịch Quốc hội là vấn đề nào nhiều ý kiến đồng tình thì tiếp thu, nhưng có vấn đề chỉ có một đại biểu Quốc hội có ý kiến thì cũng phải giải trình, bởi biết đâu, trong ý kiến đó có hạt nhân hợp lý của nó.
Sửa Luật Đất đai: Không để dân khổ!
Chỉ thấy lợi ích của Nhà nước thì không đủ, Nhà nước phải nhận lấy khó khăn và tạo thuận lợi cho dân - đó là quan điểm được nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư