Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Không thiếu một đồng, không chậm một ngày”
Thùy Liên - 20/11/2013 09:10
 
Trả lời chất vấn của các đại biểu về tín dụng nông nghiệp sáng nay (20/11), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, 5 năm qua, tín dụng nông nghiệp đã tăng gấp 2 lần, chiếm 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Riêng vốn cho tạm trữ lúa gạo là “không thiếu một đồng, không chậm một ngày”. Đầu tư công: Vừa ăn đong, vừa vung tay quá trán
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Ưu tiên đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, sáng nay (20/11), Quốc hội tiếp tục giành hơn nửa buổi sáng để chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sau khi đã giành trọn cả buổi chiều để chất vấn ngày hôm qua. Trong đó, tín dụng nông nghiệp là một trong những vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian qua, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh.

Trong 5 năm qua, dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng gấp 2 lần, chiếm 22% tổng dư nợ nền kinh tế, tương xứng với tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp.

Tuy vậy, Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang chững lại và có phần giảm sút. Sở dĩ có tình trạng này là sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, song tấm áo cho ngành nông nghiệp cũng đã quá chật.

“Cần phải có cơ chế chính sách mới thì để phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Chúng ta đang đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, sơ kết Nghị quyết của Trung ương về Tam nông, Chính phủ cũng đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã mới…

Đây chính là những tiền đề quan trọng để chúng ta tái cơ cấu sâu rộng, mạnh mẽ ngành nông nghiệp thời gian tới. Nói cách khác, nhiệm vụ ăn no, mặc ấm ta đã hoàn thành xuất sắc, đã đến lúc chúng ta phải giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Ngành ngân hàng đang tiếp tục xem xét đổi mới cơ chế chính sách tín dụng nông nghiệp để giúp ngành nông nghiệp phát triển”, Thống đốc nói.

Phần giải trình quá ngắn gọn và chung chung của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét là “chưa thỏa mãn”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc làm rõ hơn tín dụng cho người nghèo, tín dụng cho mô hình liên kết, tín dụng cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, chính sách cho vay tạm trữ…

Sau chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình gần như ngay lập tức bật dậy trả lời.

“Về tạm trữ lúa gạo, chúng tôi cung cấp tín dụng không thiếu một đồng, không chậm một ngày thời gian qua. Với những sản phẩm chủ lực như cá tra, cá ba sa, chúng tôi đã cấp một lượng tương đối lớn 25.000 tỷ đồng. Vừa qua, chúng tôi cũng đã đi một loạt địa phương và đã thấy khó khăn của người nuôi cá tra, ba sa, nuôi tôm, đồng thời đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt cơ cấu lại nợ cho người nuôi. Còn những nội dung vượt thẩm quyền, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết”, Thống đốc khẳng định.

Với sản phẩm cây cà phê, THống đốc cho biết, ngành ngân hàng cũng luôn đáp ứng đủ vốn. Hiện giá cà phê đang giảm, NHNN đã có đề nghị Chính phủ tạm trữ cà phê, ngành ngân hàng đảm bảo cung cấp đủ vốn tạm trữ. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng giành 12.000 tỷ đồng tái canh cây cà phê.

Về tín dụng cho người nghèo, những năm qua, dù kinh tế khó khăn, song tín dụng người nghèo luôn tăng 7-10%. Bên cạnh cơ chế cho vay hộ nghèo và cận nghèo, NHNN cũng đang trình Chính phủ cơ chế cho vay hộ vừa thoát nghèo được thoát nghèo bền vững. NHNN cũng đề xuất cơ chế bảo lãnh trong tín dụng nôn nghiệp, đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp…

Trước phần trả lời bổ sung chi tiết của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội biểu dương sự đóng góp toàn diện của ngành ngân hàng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp để giải quyết tốt vấn đề tín dụng cho ngành nông nghiệp, nông thôn.

Liên quan đến vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu để tăng đầu tư tài chính, đầu tư công vào ngành nông nghiệp thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư