Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 09 năm 2024,
“Nghe hai bộ trưởng nói thì cử tri yên tâm rồi”
Mạnh Bôn - 20/11/2013 08:38
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp. >>> Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế >>> Nông nghiệp: bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối >>> Bão Haiyan không vào, chúng ta đã… gặp may

Sau khi trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho người nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân tự hào khoe: “Quy mô nền kinh tế chúng ta đứng thứ 132 thế giới, nhưng sự phát triển của KHCN có lúc đứng thứ 50-60, bây giờ đứng ở xếp ở vị trí 71”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

“Bộ trưởng nói chúng ta áp dụng KHCN cao, vậy áp dụng KHCN vào sản xuất, bảo quản, chế biến, xuất khẩu gạo 5 năm nữa có bằng Thái Lan không?”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hỏi.

Bộ trưởng Quân khẳng định, trong lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo giống lúa thì Việt Nam không hề thua kém Thái Lan.

Đơn cử như giống lúa trồng ra loại gạo dành cho người bị bệnh tiểu đường hiện đang được thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng mặc dù giá bán lên tới 70 ngàn đồng/kg. Tăng diện tích trồng loại lúa có hiệu quả cao này sẽ góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.

“Nhưng cái yếu nhất của chúng ta là áp dụng KHCN vào giai đoạn sau thu hoạch. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển KHCN áp dụng vào nông nghiệp, Bộ KHCN sẽ tập trung vào nghiên cứu để đưa ra các quy trình bảo quản sau thu hoạch góp phần giảm thiểu tổn thất (hiện tại là hơn 30%) để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, ông Quân nói.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã giảm từ mức 3,3% trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 2,9% giai đoạn 2011-2013. Theo đó tốc độ tăng thu nhập của người nông dân bị chậm lại so với các khu vực khác.

Theo ông Phát, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực và KHCN.

Đất đai thì không thể tăng thêm; nguồn lực tài chính, mà cụ thể là vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân tăng trưởng 18%/năm nên khó tăng thêm hơn được nữa; nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp đang chuyển sang khu vực khác trong khi chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp vẫn rất thấp. Vì vậy, để tái cơ cấu nông nghiệp thì chỉ còn biện pháp là tái cơ cấu sản xuất và áp dụng KHCN vào sản xuất, chế biến.

“Tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất, áp dụng KHCN vào nông nghiệp và tạo chính sách để các thành phần kinh tế khác đầu tư vào nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp”, ông Phát phát biểu và cho biết, ngành nông nghiệp đã dừng hàng loạt dự án nghiên cứu xa rời thực tiễn để tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học có thể giúp người dân nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả và tăng thu nhập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: Đức Thanh)

“Nghe hai bộ trưởng trả lời như vậy thì cử tri yên tâm rồi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tán đồng.

Tuy nhiên, ngoài nội dung này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, các đại biểu Quốc hội chưa thể yên tâm với hàng loạt vấn đề như cá tra càng nuôi càng lỗ, người trồng lúa vẫn chưa được lãi 30%, đời sống ngư dân vẫn bấp bênh trong nghèo túng…

Cá tra Việt Nam áp đảo thị trường thế giới nhưng ông Phát thừa nhận người nuôi cá đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Người nuôi cá không có lỗi, mà lỗi chính là các doanh nghiệp cạnh tranh phá giá xuất khẩu, làm giảm uy tín, làm mất thương hiệu cá tra Việt Nam do cạnh tranh không lành mạnh. Để xử lý, Chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra”, ông Phát trả lời câu hỏi của Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết.

“Khi sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 85.000 tàu đánh cá, bây giờ có khoảng 122.000 tàu đánh cá với hơn 1 triệu ngư dân bám biển. Tái cơ cấu lĩnh vực này, chúng ta không thể hỗ trợ ngư dân khai thác gần bờ vì chúng ta đã khai thác quá mức. Vì vậy Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ”, ông Phát trả lời Đại biểu Lê Nam.

Ông Phát cho biết, cùng với việc áp dụng KHCN trong bảo quản hải sản đánh bắt ở ngư trường khơi xa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích người dân thay động cơ tàu thuyền tiêu tốn năng lượng bằng loại sử dụng ít năng lượng hơn.

“Các chính sách tái cơ cấu ngành thủy sản đã bắt đầu phát huy hiệu quả, cụ thể là năm 2012 có trên 18.000 lượt tàu đi đánh bắt xa bờ, gấp 3 lần so với năm 2010”, ông Phát khẳng định.

Dường như Bộ trưởng Phát đã lường trước nội dung “lợi nhuận của người trồng lúa phải đạt tối thiểu 30% như quy định của Thủ tướng Chính phủ”, vì nội dung này phiên chất vấn nào cũng “nóng” nên thay vì trả lời câu hỏi (lần 2) của Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy về nội dung này, ông Phát đã “thủ sẵn” giá thu mua gạo của từng địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thời điểm trước và sau khi thực hiện chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ của Chính phủ để cung cấp cho Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy.

Tuy nhiên, ông Phát cũng giải thích thêm: “Giá gạo xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới, mà thị trường thì không bao giờ ổn định, nên có lúc người nông dân bán được sản phẩm giá cao, có lúc lại không được giá. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương theo dõi sát sao giá gạo trên thị trường thế giới để làm sao đem lại lợi ích tối đa cho người nông dân”.

Nông nghiệp: bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối
Sớm gặt hái thành quả vang dội giúp xoay chuyển tình thế trong gần 30 năm đổi mới, song những tác động chưa từng có từ thị trường thế giới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư