Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khu công nghệ cao Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư
- 12/10/2016 15:33
 
“Nếu nhà đầu tư có vướng mắc hay bất cứ điều gì trở ngại cần tháo gỡ thì cứ gọi cho chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và cố gắng hết sức để giải quyết. Chúng tôi mong nhận được những góp ý, đóng góp, chia sẻ từ nhà đầu tư để chúng tôi có thể hoạt động ngày một tốt hơn. Sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là sự thành công của BQL Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.”

Đó là chia sẻ của ông Phùng Tấn Viết, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng tại buổi gặp gỡ đối thoại với các nhà đầu tư trong Khu công nghệ cao diễn ra vào sáng 12/10.

Hệ thống điện cần được quan tâm

Buổi gặp gỡ có sự tham dự của đại diện các Sở Ban ngành liên quan cùng lãnh đạo của các công ty Niwa Foundry, Tokyo Keiki, Dược Danapha – là 3 nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Ông Phùng Tấn Viết, Trưởng BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng tặng hoa cho các nhà đầu tư nhân ngày doanh nhân Việt Nam.
Ông Phùng Tấn Viết, Trưởng BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng tặng hoa cho các nhà đầu tư nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ đối thoại, các nhà đầu tư cho biết, trong năm vừa qua với sự quan tâm từ chính quyền thành phố Đà Nẵng, các hạng mục cơ sở hạ tầng tại Khu công nghệ cao đã có nhiều cải thiện thay đổi đáng kể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đã và đang làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất của các công ty, điển hình là hệ thống điện.

Theo ông Motoshi Mitobe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tokyo Keiki, hệ thống điện hiện nay tại Khu công nghệ cao mặc dù sử dụng hệ thống chuyển đổi 2 nguồn nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng nháy điện, cúp điện đột ngột.

“Công ty sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, khá đắt tiền, nên khi cúp điện đột ngột sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình gia công sản phẩm và gây hư hỏng hệ thống máy móc. Mặc dù Khu công nghệ cao có hệ thống điện 2 nguồn nhưng việc không có hệ thống chuyển đổi tự động mà sử dụng chuyển đổi bằng thủ công làm mất đi ý nghĩa của việc sử dụng hệ thống điện 2 nguồn này. Rất mong thời gian tới, Khu công nghệ cao sẽ cung cấp được nguồn điện ổn định”, ông Motoshi Mitobe cho biết.

Cùng ý kiến trên, ông Niwada, Tổng giám đốc Công ty Niwa Foundry nhấn mạnh, khi nhà đầu tư đã đầu tư vào Khu công nghệ cao thì doanh nghiệp đã đầu tư vào đó hệ thống dây chuyền máy móc rất hiện đại và cao cấp, vì vậy, nhà đầu tư cũng rất mong muốn ở chiều ngược lại, các hạng mục cơ sở hạ tầng của phải tương đương để tạo hiểu quả đầu tư.

Trước những phản ánh từ nhà đầu tư, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, vấn đề đảm bảo nguồn điện tại Khu Công nghệ cao hiện đang rất khó khăn và có nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng của đơn vị.

Ông Cư cho biết: Hiện tại Khu công nghệ cao Điện lực Đà Nẵng đã tiến hành đầu tư lắp đặt một trạm biến áp 110kV, có công suất 80MWh, tuy nhiên hệ thống chuyển tải 2 nguồn vẫn đang phải thực hiện bằng thủ công, dẫn đến tình trạng ngắt điện. Ngoài ra, tình trạng dông sét cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nhấp nháy hệ thống điện, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các đơn vị.

Về phần góp ý của các nhà đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống chuyển nguồn tự động, ông Cư giải thích:“Việc xây dựng hệ thống chuyển nguồn tự động rất tốn kém nên phải có lộ trình. Điện lực Đà Nẵng sẽ cố gắng tăng cường nhân lực, lắp đặt thiết bị nhằm giảm thiểu thời gian thao tác chuyển nguồn bằng thủ công xuống 50% trong thời gian tới. Đồng thời năm 2017 chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống đường điện mạch vòng 3 nguồn và cho thiết kế lắp một trạm hoà điện tự động không người vào giữa năm. Khi đó việc cắt, nháy điện sẽ không còn nữa”.

Đại diện của Điện lực Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm thông tin cho biết, sắp tới Điện lực Đà Nẵng sẽ đầu tư thiết bị tủ tự động (có giá vào khoảng gần 1 tỷ đồng mỗi tủ) dành cho một số khách hàng tại Khu công nghê cao.

“Đầu tư hệ thống chuyển nguồn tự động ngay tại trạm tổng 110kV chi phí rất lớn. Trước mắt việc đầu tư tủ chuyển nguồn chúng tôi phải cân nhắc và chỉ dành điều này cho một số khách hàng tiềm năng tại Khu công nghệ cao. Chi phí bảo trì sẽ do chúng tôi sẽ chịu, nhưng về lâu dài việc này phải được tiến hành xã hội hoá. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp, mong các nhà đầu tư chia sẻ,” ông Cư nói.

Về phần mình, ông Phùng Tấn Viết cho biết:“Chúng tôi hiểu được rằng, mất điện sẽ khiến quá trình sản xuất của nhà máy bị ảnh hưởng, mất luôn một mẻ sản phẩm. Chúng tôi chia sẻ với nhà đầu tư về những vấn đề trên và cũng rất mong muốn các nhà đầu tư cần sắm thêm máy phát điện dự phòng. Đối với Điện lực Đà Nẵng, chúng tôi đề nghị Điện lực Đà Nẵng không được để mất điện đột ngột, không được tự động cúp điện mà phải có kế hoạch, trừ thường hợp nằm ngoài khả năng như liên quan đến đường dây 550kV. Những vấn đề nào cần xã hội hoá, cần thành phố chia sẻ thì làm một báo cáo gửi BQL, sau đó chúng tôi sẽ trình lên UBND thành phố xem xét.”

Tiếp tục được đầu tư hệ thống cơ sở, hạ tầng Khu công nghệ cao

Tại buổi đối thoại, các công ty cũng đồng thời phản ánh những bất cập tồn tại đối với hệ thống nước, hệ thống xả thải, hệ thống thông tin liên lạc. Đối với những phản ánh này, lãnh đạo BQL Khu công nghệ cao đã có những giải đáp cặn kẻ đồng thời thông tin thêm cho nhà đầu tư các kế hoạch triển khai thi công các hạng mục này trong thời gian tới tại Khu công nghệ cao.

Buổi đối thoại diễn ra thẳng thắn và cởi mở.
Buổi đối thoại diễn ra thẳng thắn và cởi mở giữa BQL Khu công nghệ cao, Các Sở Ban ngành liên quan và nhà đầu tư.

Theo đó trong tháng 11 tới, BQL Khu công nghệ cao sẽ tiến hành xây dựng hệ thống tường rào tạm bao quanh. Với hệ thống nguồn nước, hiện nay BQL đã chỉ đạo Nhà máy nước kết nối đường ống dẫn nước vào bồn nhằm dự phòng trong trường hợp mất nước. Ngoài ra hiện nay BQL cũng đã cấp 1,7ha đất cho công ty nước đầu tư xây dựng một nhà máy nước với công suất 10.000m3/ ngày đêm tại Khu công nghệ cao. Dự kiến trong năm 2018 nhà máy nước sẽ đi vào vận hành hoạt động.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, ông Hồ Thuyên, Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao cho biết vừa qua BQL đã tiến hành lựa chọn nhà thầu, trong tháng 10 sẽ khởi công xây dựng nhà máy và dự kiến đến 30/10/2017 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Với hệ thống thông tin liên lạc, ông Phùng Tấn Viết cho biết BQL Khu công nghệ cao đã đồng ý cấp đất khu vực đỉnh đồi để VNPT lắp đặt 1 trạm BTS (thu phát sóng), dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành; cùng với đó cấp đất cho VNPT triển khai lắp đặt 2 trạm cập mạng 3A, dự kiến tháng 3/2017 sẽ hoàn thành, và lúc đó việc truy cập mạng về cơ bản sẽ được đảm bảo.

Kết thúc buổi gặp gỡ đối thoại, ông Phùng Tấn Viết chia sẻ:“Nếu nhà đầu tư có vướng mắc hay bất cứ điều gì trở ngại cần tháo gỡ thì cứ gọi cho chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và cố gắng hết sức để giải quyết. Chúng tôi mong nhận được những góp ý, đóng góp, chia sẻ từ nhà đầu tư để chúng tôi có thể hoạt động ngày một tốt hơn. Sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là sự thành công của BQL Khu Công nghệ cao Đà Nẵng”.

Danapha nhận bàn giao đất tại Khu công nghệ Cao Đà Nẵng
Được biết, đến nay, BQL KCNC ĐN đã cấp phép đầu tư cho 2 doanh nghiệp cơ khí có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản - Tokyo Keiki Precision Technology và Niwa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư