Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Khu kinh tế Vũng Áng mang “trái ngọt” cho Hà Tĩnh
Hương Việt - 10/02/2019 09:13
 
Như “chiếc đòn gánh” giữa hai đầu đất nước, Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang nổi lên là một khu kinh tế trọng điểm của cả nước. “Quả ngọt” tổng vốn đầu tư gần 17 tỷ USD mà vùng đất này thu về đang góp phần giúp Hà Tĩnh trở thành địa phương đứng tốp đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
Hai lò cao của Dự án Formosa Hà Tĩnh góp phần đưa địa phương này nâng đà tăng trưởng cao nhất Việt Nam.
Hai lò cao của Dự án Formosa Hà Tĩnh góp phần đưa địa phương này nâng đà tăng trưởng cao nhất Việt Nam.

Tạo sức bật cho kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhất nước

Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 9 khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung phát triển bằng nguồn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước.

Trong bức tranh kinh tế cả nước với những tín hiệu vui, Hà Tĩnh đã có những đóng góp không nhỏ, với tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 12.000 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn này đạt kết quả cao. Tuy nhiên, năm 2016, địa phương bị ảnh hưởng mạnh bởi sự cố môi trường biển, an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Thế rồi, năm 2017, Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Đặc biệt, năm 2018, kinh tế tăng trưởng cao, vượt lên mức 2 con số, đạt kỷ lục tới 32,94% - mức tăng trưởng cao nhất nước. Đạt được kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại địa phương.

Khu kinh tế với nhiều điểm nhấn

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, là một đô thị công nghiệp với tiềm năng hiện có, Vũng Áng đang là một khu kinh tế có điểm nhấn về mọi mặt. Các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, sắp tới là Mỹ, Đức... đã và đang góp phần làm cho Khu kinh tế Vũng Áng luôn sôi động.

10 năm trước, nơi đây vốn là một vùng đất đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân vô cùng chật vật. “Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, vùng đất này được tái cơ cấu từ ngành nông nghiệp chuyển hẳn sang công nghiệp và trải thảm đón nhà đầu tư. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng khẳng định.

Trong chuyến làm việc với địa phương này vào những ngày cuối cùng của năm 2018, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Hà Tĩnh phải có bước đi vững chắc, phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư mạnh, đủ năng lực và thực sự có nhu cầu đầu tư vào địa phương, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã rất tích cực đi tìm hiểu, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; trực tiếp sang tận “nhà”, “gõ cửa” từng doanh nghiệp để mời gọi họ về với địa phương bằng sự nhiệt tình và thiết thực nhất.

Sự hình thành Khu công nghiệp Phú Vinh của nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, với tổng diện tích 200 ha, đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực phụ trợ sau thép của Dự án Formosa dần lấp đầy khu công nghiệp này. Đồng thời, Hà Tĩnh đang có quyết sách mới về việc thành lập các khu công nghiệp mới. “Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng và nhiều cuộc khảo sát tình hình, sắp tới, tại Khu kinh tế Vũng Áng sẽ hình thành Khu công nghiệp Việt - Đức (trên 50 ha) và Khu công nghiệp Việt - Nhật (30 - 50 ha), nhằm thu hút các doanh nghiệp đến từ các nước Đức, Nhật Bản”, lãnh đạo Khu kinh tế Vũng Áng cho biết.

Khai thác tiềm năng, lợi thế về dịch vụ hạ tầng cảng biển

Năm 2018, GRDP của Hà Tĩnh tăng 20,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 5,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%. Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh, góp phần đưa tổng thu ngân sách cả năm đạt hơn 12.000 tỷ đồng (tăng 37,8% so với năm 2017). Trong đó, thu nội địa đạt 6.300 tỷ đồng; tập trung vào các nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, thuế ngoài quốc doanh, tiền đất...

GRDP của Hà Tĩnh năm 2018 ước đạt 65.000 tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người là 51 triệu đồng, tương đương 2.217 USD (cả nước là 2.540 USD)...

Điều đáng mừng trong thu hút đầu tư năm 2018 của Khu kinh tế Vũng Áng là lĩnh vực đầu tư đa dạng, tiếp tục thu hút nhiều dự án quy mô lớn, dự án nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, phát triển năng lượng mới, hạ tầng đô thị dân cư, hạ tầng cụm công nghiệp…

“Năm 2018, môi trường đầu tư và kết quả thu hút đầu tư khá ấn tượng. Trong năm qua, Hà Tĩnh đã thu hút được khoảng 100 dự án đầu tư trong và ngoài nước, gồm 94 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 6.500 tỷ đồng và các dự án nước ngoài có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Trong đó, có những dự án khá đặc biệt với địa phương, như năng lượng tái tạo (từ Đức), mở đầu cho lĩnh vực thu hút mới về lĩnh vực năng lượng tái tạo; các dự án nhà máy may xuất khẩu tại các cụm công nghiệp; lĩnh vực phụ trợ sau thép…”, ông Dương Tất Thắng cho biết.

Với sản phẩm chủ lực là các loại thép phục vụ cơ khí chế tạo, Dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty Formosa sẽ kéo theo nhiều dự án phụ trợ, tạo nhiều việc làm và đóng góp nguồn thu lớn cho tỉnh Hà Tĩnh.

“Trong tương lai gần, chúng tôi vẫn xác định Khu kinh tế Vũng Áng là trọng tâm, trọng điểm của địa phương, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế lớn nhất về các dịch vụ hạ tầng cảng biển, trong đó có cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương”, ông Thắng chia sẻ.

Đặc biệt, giai đoạn II của Dự án Formosa Hà Tĩnh dự kiến tăng tổng vốn đầu tư lên 27 tỷ USD để đến năm 2020, Formosa Hà Tĩnh trở thành khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, với sản lượng thép đạt 22,5 triệu tấn. Đồng thời, với 32 cầu cảng (6 bến cho tàu 200.000 - 300.000 DWT; 20 bến cho tàu 30.000 - 50.000 DWT và 6 bến tàu 6.000 - 10.000 DWT), cảng nước sâu Sơn Dương sẽ tiếp nhận 85 triệu tấn hàng. Khi đó, cảng Sơn Dương trở thành một trong những cảng biển nước sâu lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Năm 2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh chú trọng phát triển các lĩnh vực như nhiệt điện, hậu thép, logistics..., đổi mới về mặt quy hoạch nhằm biến Khu kinh tế Vũng Áng thành một cửa ngõ của đường 8, đường 12 thông thương sang các nước Lào, Thái Lan. Cùng với đó là các khu công nghiệp phía Bắc thu hút dự án dệt may, da giày, công nghiệp nhẹ có công nghệ thân thiện với môi trường, phù hợp với địa bàn.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế này hiện có 130 dự án đầu tư còn hiệu lực (75 dự án đầu tư trong nước và 55 dự án nước ngoài), tạo việc làm cho gần 19.000 người (trong nước 16.785 người, lao động nước ngoài 2.168 người).

Năm 2019, Hà Tĩnh đặt mục tiêu GRDP tăng 11,5 - 12%, GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 38.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.200 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư