Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Khủng hoảng “ngân hàng ngầm” Trung Quốc: Bom đã nổ, 38 tỷ USD có thể “bốc hơi”
Tư Thuần - 09/01/2024 07:26
 
Ngày 5/1, Zhongzhi Enterprise, doanh nghiệp lớn nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm với quy mô lên tới 2.900 tỷ USD của Trung Quốc nộp đơn xin phá sản, gây chấn động giới đầu tư Trung Quốc nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.
TIN LIÊN QUAN

Dưới đây là toàn cảnh khủng hoảng mới nhất tại Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thể hồi phục, tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế Đại lục.

Các công ty như Zhongzhi hoạt động như thế nào?

Zhongzhi Enterprise Group Co là một trong những thành viên của hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) tại Trung Quốc. Shadow banking là tập hợp các định chế tài chính và thị trường thực hiện chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của các cơ quan chức năng. Những tổ chức này thường được gọi là những công ty tài chính phi ngân hàng (NBFCs), có thể bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, hay các tổ chức cho vay tín chấp…

Hoạt động của các tổ chức này là nhận tiền gửi và tiền đầu tư từ các khách hàng, sau đó sử dụng lượng vốn này để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và các tài sản đầu tư khác… Từ đó gia tăng giá trị tài sản và trả cho nhà đầu tư lãi suất ở mức cao hơn gửi tiết kiệm truyền thống. Không công ty tài chính nào có hoạt động rộng khắp tại mọi lĩnh vực như nhóm ngân hàng ngầm.

Trong những năm qua, giới chức Trung Quốc đã tìm cách thắt chặt các quy định quản lý tại lĩnh vực có quy mô lên tới 2,9 nghìn tỷ USD này. Tháng 11/2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – nhà quản lý thị trường ngân hàng – tài chính Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng “liều thuốc mạnh” để đối phó với các rủi ro xuất phát từ hệ thống ngân hàng ngầm.

Đã có những kết quả nhất định với chủ trương thắt chặt tại hệ thống ngân hàng ngầm, khi quy mô thị trường giảm khoảng 16% so với mức đỉnh vào năm 2017.

Quy mô thị trường ngân hàng ngầm đã giảm so với đỉnh năm 2017 nhưng vẫn ở mức rất lớn

Tuy nhiên, mới đây, ngày 5/1/2024, Zhongzhi nộp đơn xin phá sản, trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc gây sốc với tất cả các thành viên thị trường.

Tại sao Zhongzhi phá sản gây sốc tới vậy?

Zhongzhi là một “gã khổng lồ” tại hệ thống ngân hàng ngầm tại Trung Quốc. Công ty này được thành lập năm 1995 bởi Xie Zhikun. Vào thời kỳ đỉnh cao, Zhongzhi quản lý khối tài sản hơn 140 tỷ USD, trước khi khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc diễn ra.

Zhongzhi nắm 33% cổ phần tại Zhongrong Trust - một doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều tài sản của các công ty bất động sản tại Trung Quốc. Chỉ riêng Zhongrong Trust đã có 230 loại sản phẩm với mức lãi suất trung bình trả cho nhà đầu tư là 6,73%/năm. Con số này rất hấp dẫn so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm là 1,5%.

Vào đầu tháng 8/2023, giới đầu tư bắt đầu lan truyền thông tin trên các mạng xã hội về việc khách hàng của Zhongzhi, cũng như các công ty liên kết bao gồm Zhongrong, không nhận được các khoản thanh toán đến hạn. Tập đoàn này dừng việc thanh toán cho gần như mọi sản phẩm đầu tư của mình và thuê KPMG tiến hành kiểm tra tài sản.

Tình hình diễn biến xấu rất nhanh. Việc không được thanh toán các khoản đầu tư đến hạn làm bùng nổ sự giận dữ và lo lắng của khách hàng, dẫn tới các cuộc biểu tình tại Bắc Kinh.

Sau quá trình kiểm toán vào tháng 11/2023, kết quả đưa ra là Zhongzhi Enterprise đang có khoản nợ khoảng 420-460 tỷ nhân dân tệ (64,4 tỷ USD) và tổng tài sản là 200 tỷ nhân dân tệ. Zhongzhi công bố thông tin tới nhà đầu tư về việc gặp một vài vấn đề thanh khoản. Tới ngày 5/1/2024, Toà án Nhân dân Bắc Kinh cho biết Công ty đã nộp đơn xin phá sản.

Theo Goldman Sachs, vụ việc có thể gây ra tổn thất khoảng 38 tỷ USD. Đáng chú ý, với quy mô hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) và mối liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản đang trục trặc và nhiều tổ chức tài chính khác, vụ việc của Zhongzhi có thể lan rộng ra toàn thị trường tài chính Trung Quốc. Đây chính là điều mà các thành viên thị trường lo ngại. 

Các sản phẩm uỷ thác hấp dẫn khách hàng bởi lãi suất ở mức cao (đường màu đen) so với lãi suất gửi tiết kiệm (đường màu vàng)

Có nhiều vụ phá sản lớn như vậy tại Trung Quốc hay không?

Không. Các doanh nghiệp Trung Quốc gặp vấn đề trong thời gian gần đây đều chưa phá sản mà trước tiên phải trải qua giai đoạn tái cấu trúc nợ. HNA Group Co - tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc cũng từng gặp tình cảnh không thể thanh toán hàng tỷ USD tiền nợ. Tuy nhiên Công ty đã hoàn thành tái cấu trúc vào năm 2022.

China Evergrande, doanh nghiệp bất động sản đình đám lâm vào khủng hoảng vào năm 2021 với khoảng 327 tỷ USD các nghĩa vụ nợ phải trả cho tới nay vẫn chưa nộp đơn xin phá sản.

Vậy Chính phủ Trung Quốc đang làm gì?

Tháng 11/2023, chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã mở cuộc điều tra liên quan tới hoạt động quản lý tài sản của Zhongzhi, vài ngày sau khi thông báo liên quan tới trục trặc thanh khoản được công bố. Khách hàng của Zhongzhi được khuyến nghị hãy cung cấp thông tin phục vụ điều tra.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực để đảm bảo Zhongrong, một trong những công ty đầu tư uỷ thác lớn nhất Trung Quốc không rơi vào cảnh tương tự như công ty mẹ là Zhongzhi. Theo nguồn tin của Bloomberg, Citic Trust Co - một đơn vị thuộc tập đoàn nhà nước Citic Group Corp và CCB Trust – công ty do ngân hàng nhà nước China Construction Bank Corp hậu thuẫn sẽ tiến hành hỗ trợ ổn định hoạt động của Zhongrong.

Zhongrong nằm trong Top 10 công ty uỷ thác đầu tư lớn nhất Trung Quốc

Triển vọng hồi phục của Zhongzhi như thế nào?

Rủi ro lớn đối với Zhongzhi, cũng như hệ thống ngân hàng ngầm hiện tại là việc các sản phẩm chủ yếu liên quan tới nhóm doanh nghiệp bất động sản, trong đó có các tên tuổi như China Evergrande Group - vốn đang trên bờ vực phá sản. Theo báo cáo năm 2022 của Zhongrong, bất động sản chiếm 11% trong quy mô 629 tỷ nhân dân tệ tài sản dưới sự quản lý của Công ty, đó là chưa kể các sản phẩm như trái phiếu và cổ phiếu có liên quan tới lĩnh vực bất động sản.

Theo ước tính của Goldman Sachs, các công ty tín thác đầu tư như Zhongzhi và Zhongrong đang có khoảng 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ gắn với các tài sản đầu tư liên quan tới bất động sản tính tới cuối tháng 3/2023.

Trong khi đó, các sản phẩm liên quan tới bất động sản chiếm hơn 70% các vụ vỡ nợ trong những quý gần đây. Ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng chưa tìm thấy “cửa sáng” khi thị trường ảm đạm, giá nhà giảm, doanh số bán hàng đi xuống trong khi các nghĩa vụ trả nợ gia tăng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư