Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 08 tháng 11 năm 2024,
Khuyến khích hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 11/11/2016 08:02
 
Trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp. Vì sao có tình trạng này và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thảo luận vào tuần tới có khuyến khích hộ kinh doanh “lên đời” hay không là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Lý do hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp là để trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Theo ông, có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế hiện hành thì chủ sử dụng lao động dù là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã hay hộ kinh doanh cá thể đều phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động, kể cả lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. 

Luật BHXH năm 2014 đã trao quyền cho Thanh tra lao động - thương binh và xã hội, Thanh tra tài chính và cơ quan BHXH được thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. 

.
.

Có thể do số lượng doanh nghiệp hiện nay rất lớn, các cơ quan thanh tra kể trên đang tập trung doanh nghiệp, chưa thực sự quan tâm thanh tra, kiểm tra với hộ kinh doanh, nên nhiều người nghĩ rằng thành lập doanh nghiệp mới phải đóng bảo hiểm y tế, BHXH cho người lao động, còn hộ kinh doanh thì không phải thực hiện nghĩa vụ này, nên họ không muốn thành lập doanh nghiệp. 

Tôi cho rằng, đồng thời với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế, BHXH ở khu vực hộ kinh doanh, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cho đối tượng này hiểu rằng, dù không thành lập doanh nghiệp, nhưng việc họ không đóng bảo hiểm y tế, BHXH là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. 

Xử lý bằng hình thức gì, thưa ông?

Luật BHXH nghiêm cấm hành vi trốn, chậm, chiếm dụng, gian lận đóng BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, thậm chí có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Hiện có hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, theo ông, làm cách nào để hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp?

Nhà nước khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, chứ không bắt buộc. Tuy nhiên, với những hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì kể từ ngày 1/7/2015 phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi, với đối tượng đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp mà vẫn kinh doanh dưới dạng hộ gia đình, cá nhân thì cơ quan thuế dứt khoát không bán hóa đơn. Không thành lập doanh nghiệp thì không được sử dụng hóa đơn tự in. Vì không được mua hóa đơn sẽ rất khó khăn trong giao dịch kinh doanh, nên họ sẽ suy tính để thành lập doanh nghiệp.

Thưa ông, như vậy, chỉ cần sử dụng dưới 10 lao động thì hộ kinh doanh hoàn toàn có thể né được quy định trên?

Vì vậy, theo tôi, ngoài tiêu chí về số lao động, cần phải bổ sung thêm tiêu chí doanh thu. Chẳng hạn, hộ kinh doanh có doanh thu 5-10 tỷ đồng/năm trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, không thành lập sẽ không có hóa đơn để sử dụng vì cơ quan thuế không bán hóa đơn cho đối tượng này. Ví dụ, hộ kinh doanh vật liệu xây dựng hay nhà hàng ăn uống, chẳng hạn chỉ sử dụng 5-7 lao động, nhưng có doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, nếu cơ quan thuế không bán hóa đơn thì họ không thể bán vật liệu xây dựng hay cung cấp dịch vụ ăn uống cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi phải có hóa đơn, chứng từ. Như vậy, hộ kinh doanh thấy rằng việc thành lập doanh nghiệp có lợi hơn rất nhiều so với kinh doanh nhỏ lẻ.

Làm như vậy khác nào ép hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp?

Với hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp mà cố tình không thành lập thì phải có chế tài xử lý, ít nhất là cơ quan thuế không bán hóa đơn. Bên cạnh áp dụng chế tài xử lý đối với hộ kinh doanh đủ điều kiện nhưng không chuyển thành doanh nghiệp, quan trọng hơn là phải có các cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Đây là lý do vì sao cần phải ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thảo luận vào tuần tới thì có rất nhiều hỗ trợ cho đối tượng này, như hỗ trợ về gia nhập và rút khỏi thị trường; tiếp cận tín dụng ngân hàng, tiếp cận tín dụng từ các quỹ; được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi, miễn lệ phí môn bài trong 2 năm đầu thành lập; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; xúc tiến và mở rộng thị trường; hỗ trợ tham gia mua sắm công; hỗ trợ thủ tục chuyển đổi thành doanh nghiệp…

Khi chuyển thành doanh nghiệp, do trình độ quản trị có hạn nên tâm lý chung của hộ kinh doanh là rất sợ phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, để xử lý vấn đề này, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép đối tượng này được áp dụng chế độ kế toán đơn giản, thuận tiện và được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp phần mềm kế toán miễn phí. Tôi tin rằng, với những chính sách hỗ trợ này, sẽ có nhiều hộ kinh doanh cá thể tự nguyện chuyển thành doanh nghiệp mà không cần phải ép buộc.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV: Cần chi tiết hơn để giảm "đẻ" thêm nghị định
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trong tuần này. Nhưng, các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư