Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Kích cầu để tăng tiêu thụ trong nước
Minh Nhung - 05/07/2013 07:49
 
Tăng cầu tiêu dùng không những để giảm tồn kho, mà còn ngăn chặn nguy cơ trì trệ của sản xuất kinh doanh. 
TIN LIÊN QUAN

Nói đến kích cầu, trước hết cần nhìn vào tác động của tổng mức bán lẻ đối với tăng trưởng kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa (TMBL) có tác động kép. Đối với tăng trưởng kinh tế, do TMBL bằng trên dưới 72% GDP, nên tác động đến tăng trưởng kinh tế theo hai chiều khác nhau.

Nếu tốc độ tăng TMBL (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng) chậm lại, thì tốc độ tăng trưởng GDP cũng chậm lại và ngược lại.

Để tăng cầu tiêu dùng thì kích cầu là biện pháp cần được lựa chọn

TMBL (cùng với vốn đầu tư, xuất khẩu, xuất, nhập siêu) là yếu tố cầu kéo, tác động đến lạm phát cũng theo hướng tỷ lệ thuận với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Vậy diễn biến TMBL ra sao, để kích cầu tiêu dùng?

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng/giảm TMBL tính theo giá thực tế 6 tháng đầu năm 2013 như sau.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 6,73%), thì TMBL chỉ tăng 4,8%. Đây là tốc độ tăng thấp hơn với 4,9% của tốc độ tăng GDP và thấp hơn tốc độ tăng của năm trước.

Đó là một trong những yếu tố làm cho tốc độ tăng tồn kho sản phẩm tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao (9,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của sản xuất 5,7%)), làm cho tốc độ tăng GDP của 2 nhóm ngành sản xuất sản phẩm vật chất bị chậm lại so với cùng kỳ năm trước (nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 2,07% so với 2,88% và công nghiệp - xây dựng tăng 5,18% so với 5,59%).

Theo đó, việc tăng cầu tiêu dùng không những để giảm tồn kho sản phẩm, mà còn nhằm ngăn chặn nguy cơ trì trệ của sản xuất kinh doanh và thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn theo Nghị quyết của Quốc hội (để cả năm đạt 5,5%, thì 6 tháng cuối năm phải tăng gần 6%).

TMBL theo ngành hoạt động, ngành thương nghiệp thuần tuý vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (77%). Điều đó chứng tỏ, trong điều kiện người tiêu dùng vẫn còn “thắt lưng buộc bụng”, thì việc mua bán hàng hoá thuần tuý và thiết yếu vẫn được ưu tiên lựa chọn.

Ngành khách sạn nhà hàng tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng chung (14,5% so với 11,9%), chủ yếu do giá cả vẫn giữ ở mức cao hơn (mặc dù giá lương thực, thực phẩm giảm hoặc tăng thấp) và năm nay có những đợt nghỉ liên tục kéo dài.

Tuy nhiên, du lịch lại tăng rất thấp (2,6%) và chiếm tỷ trọng không đáng kể (0,9%), một mặt do khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 2,6% thấp so với cùng kỳ năm trước, mặt khác, khách nội địa chuyển sang du lịch nước ngoài.

Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất kỹ thuật ở các cơ sở du lịch chậm được nâng cấp; những hạn chế về dịch vụ và văn hóa chậm được khắc phục, giá cả đi lại, ăn ở còn cao (tỷ trọng chi tiêu của khách quốc tế cho thuê phòng chiếm 26,7%, ăn uống 20,2%, đi lại 17,6%...).

Để tăng cầu tiêu dùng thì kích cầu là biện pháp cần được lựa chọn. Kích cầu tiêu dùng có nhiều cách.

Trước hết, phải tăng thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư. Việc điều chỉnh lương tối thiểu từ tháng 7 này của Chính phủ là một cố gắng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, bội chi ngân sách còn lớn.

Sau nữa phải quyết công ăn việc làm cho lao động đến tuổi lao động.

Kích cầu đầu tư thông qua việc đẩy mạnh giải ngân, thi công các công trình, xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay, trả nợ xây dựng cơ bản, phát hành trái phiếu Chính phủ...

Kích cầu tiêu dùng, nhưng phải hướng vào tiêu dùng các hàng hoá sản xuất trong nước, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn...

Một vấn đề quan trọng khác là, các doanh nghiệp cần phải tiết giảm hơn nữa chi phí để hạ giá thành, tiến tới hạ giá bán. Nhà nước cần giảm thuế VAT để doanh nghiệp giảm giá bán... Đây cũng là một thời cơ để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, vừa thay đổi bộ mặt nông thôn; là thời cơ để nâng cấp, giảm tải ở các bệnh viện...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư