Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kích hoạt đầu tư vào R&D
Nguyên Đức - 05/03/2020 13:15
 
Việc Samsung chính thức xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) không chỉ đánh dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư vào R&D.
.
Việc xây dựng Trung tâm R&D mới là một bước tiến vượt bậc trong hành trình đầu tư 12 năm qua của Samsung tại Việt Nam.

Dấu mốc chiến lược của Samsung

Sau nhiều chờ đợi, Samsung đã chính thức công bố việc xây dựng Trung tâm R&D mới tại Việt Nam. Đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với vốn đầu tư 220 triệu USD, quy mô một tòa nhà 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, diện tích sàn 79.511 m2.

Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và sẽ không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G…

“Việc triển khai xây dựng Trung tâm R&D mới là một dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã phát biểu như vậy nhân sự kiện này.

Sau 12 năm đầu tư tại Việt Nam, với tổng quy mô vốn đầu tư lên tới trên 17 tỷ USD, và sau 8 năm đi thuê địa điểm (Tòa nhà PVI, Hà Nội) để mở Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC), Samsung đã quyết định xây “đại bản doanh” riêng cho trung tâm R&D của mình tại Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D. Tập đoàn này hiện có 37 trung tâm R&D, nhưng ngoài 6 trung tâm ở Hàn Quốc, thì các trung tâm còn lại đều hoạt động ở các văn phòng đi thuê. Điều này chứng tỏ, Samsung ngày càng đánh giá cao vai trò của thị trường Việt Nam đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.

Trong thông cáo phát đi, Samsung Việt Nam cũng khẳng định, việc xây dựng Trung tâm R&D mới là một bước tiến vượt bậc trong hành trình đầu tư 12 năm qua của Samsung tại Việt Nam. Thông qua dự án này, Việt Nam sẽ không chỉ là “cứ điểm” sản xuất lớn nhất của Samsung, mà còn là “trung tâm chiến lược” về R&D của Tập đoàn.

Trên thực tế, kể từ khi được thành lập vào năm 2012, SVMC đã có những đóng góp to lớn cho công tác R&D của Samsung toàn cầu, đặc biệt là đối với các dòng điện thoại tầm trung.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dự án SVMC (Samsung Việt Nam) nhiều lần nhấn mạnh, nếu Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung, thì SVMC trong tương lai sẽ trở thành “đại bản doanh” R&D của dòng sản phẩm tầm trung.

Không chỉ dòng sản phẩm tầm trung, các cán bộ nghiên cứu tại SVMC cũng đã tham gia vào rất nhiều dự án của các dòng sản phẩm cao cấp, như S, Note. Những công cụ như S.Pen, Knoxx, hay Smart Switch của các dòng sản phẩm cao cấp có đóng góp không nhỏ của các kỹ sư Việt Nam.

Vì thế, khi Trung tâm R&D mới hoàn thành, Việt Nam cũng sẽ trở thành “cứ điểm” R&D mới của Samsung trên toàn cầu.

Và cơ hội cho Việt Nam

Đầu tư R&D được coi là hoạt động đầu tư thượng nguồn. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên toàn cầu cũng mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Trở thành “trung tâm chiến lược” về R&D của Samsung, chắc chắn, Việt Nam cũng sẽ nhận được khoản đầu tư không nhỏ của Samsung cho các hoạt động R&D. 220 triệu USD chỉ là khoản vốn được đầu tư cho phần cứng, tức là xây dựng trụ sở. Ngân khoản chi cho R&D hàng năm mới là đáng kể.

Samsung luôn đứng trong top đầu các tập đoàn đầu tư lớn cho R&D. Theo thông tin của Ủy ban châu Âu, năm 2018, Samsung đã chi tới 15,3 tỷ USD cho R&D. Nghĩa là, bình quân, tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu đã dốc tới trên 41 triệu USD/ngày cho hoạt động này, một con số rất lớn.

Thêm vào đó, khi trung tâm mới mở ra, sẽ mở rộng hơn nữa cơ hội cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia vào các hoạt động R&D mang tính toàn cầu. Hiện ở SVMC có 2.000 kỹ sư làm việc, con số sẽ nâng lên 3.000 khi có trung tâm mới. Và khi trung tâm R&D được đặt ở vị trí, vai trò lớn hơn, thì các kỹ sư Việt Nam sẽ được thử sức ở những lĩnh vực mới hơn.

Chính ông Choi Joo Ho cũng nói rằng, Trung tâm R&D mới là nơi Samsung sẽ “hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học - kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao”.

Phía Samsung Việt Nam cũng khẳng định, thông qua việc xây dựng trung tâm R&D hiện đại, Tập đoàn mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như AI, IoT, Big Data, mạng 5G…

“Điều này sẽ tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Samsung Việt Nam khẳng định.

Việt Nam, kể từ khi bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã rất kỳ vọng vào việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại đây. Song, dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn, từ Intel tới Samsung, LG, Microsoft…, nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư cho R&D.

Việc Samsung đầu tư lớn cho R&D tại Việt Nam, vì thế cũng đang được kỳ vọng sẽ “kích hoạt” dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn cho R&D tại Việt Nam, giống như hiệu ứng mà Samsung đã từng làm được. Đó là sau khi tập đoàn này đầu tư mạnh vào Việt Nam, thì hàng loạt tên tuổi hùng mạnh của “làng” công nghệ thế giới cũng dồn dập góp vốn đầu tư.

Samsung “bạo chi” cho R&D
Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối tháng 2 này tại Khu đô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư