Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Kích hoạt mô hình đầu tư mới tại Đà Nẵng
Hoàng Thủy - 28/11/2014 09:13
 
() Chiều nay (28/11), Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A)” sẽ chính thức khai mạc. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đà Nẵng nâng chất dòng vốn đầu tư
Hiến kế để Đà Nẵng không có chuỗi khách sạn "đồng phục"
Phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành đô thị mới
Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất hủy Dự án Làng Đại học
Khởi công dự án đầu tiên tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn trước thềm Hội thảo, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định, Hội thảo sẽ mở ra cơ hội mới cho nhà đầu tư, tạo cầu nối để các nhà đầu tư trao đổi kinh nghiệm hợp tác.

  Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A  
  Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng   

Ý tưởng tổ chức hội thảo này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Hội thảo dựa trên kiến nghị của cộng đồng nhà đầu tư tại Đà Nẵng, nhằm tạo nên diễn đàn hợp tác, đối thoại trong đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và du lịch, hai lĩnh vực nắm gần 70% tổng vốn đầu tư vào Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay.

Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn nhất Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư không ngừng được cải thiện, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp phải những thách thức lớn, nhưng TP. Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường lớn nhất miền Trung này.

Lựa chọn chủ đề M&A không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, qua đó kỳ vọng hoạt động M&A tại Đà Nẵng đang dần mở ra hướng đi mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án bất động sản du lịch với tiến độ dự án chưa hoàn thành và tình trạng đóng băng cung nhiều hơn cầu như hiện nay.

Đà Nẵng đặt kỳ vọng gì về hội thảo này?

Hội thảo lần đầu tiên này sẽ là nơi cung cấp thông tin hữu ích về cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng, tình hình hoạt động giao dịch giúp các nhà đầu tư doanh nghiệp, các cá nhân và giới truyền thông có cái nhìn toàn diện hơn về hình thức M&A tại Đà Nẵng. Đây sẽ là diễn đàn này mang đến những cơ hội quý giá cho doanh nghiệp để giao lưu, mời gọi đầu tư và hợp tác chiến lược trong nhiều ngành và lĩnh vực, là cầu nối để các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng gặp gỡ và trao đổi, tìm sự phù hợp và tạo nên giá trị cộng hưởng cho hai bên.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là một trong những hoạt động đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt, nhà đầu tư triển khai dự án suôn sẻ. Đây cũng là nội dung chính trong chương trình “Năm doanh nghiệp” mà Đà Nẵng đang triển khai.

Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng hiện nay ra sao, thưa ông?

10 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng thu hút được 24 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 124 triệu USD và có 14 dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt 28,8 triệu USD. Như vậy, tổng vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm 2014 là gần 153 triệu USD, đạt 52,70% so với cùng kỳ năm 2013 (tổng vốn cấp mới và tăng thêm 10 tháng năm 2013 là hơn 290 triệu USD).

Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 304 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 3,37 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng dự án đầu tư nhiều tại Đà Nẵng với 78 dự án đầu tư trực tiếp và 37 văn phòng đại diện, tổng số vốn đầu tư khoảng 371 triệu USD, chiếm 11% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động M&A hiện nay?

Trong bối cảnh khủng hoảng chung toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp, thị trường suy giảm đòi hỏi nhiều doanh nghiệp phải tiến hành tái cấu trúc để tồn tại, M&A nổi lên như một hoạt động đầu tư sôi nổi và hiệu quả, bởi nó tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và tránh được các rào cản thương mại, từ đó thu hút nguồn vốn và mở rộng quy mô doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tái cấu trúc vượt qua khủng hoảng.

Trong giai đoạn 2008-2013, M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng 5 lần, từ mốc 1 tỷ USD đến 5 tỷ USD.  Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh.

Tôi nghĩ rằng, hoạt động M&A trong thời gian tới sẽ sôi động hơn với việc tăng trưởng về giá trị và số lượng thương vụ trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, tái cơ cấu doanh nghiệp được đẩy mạnh, cải cách thể chế, các văn bản luật mới được thông qua và dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư