Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kiểm soát chặt vận chuyển, buôn bán lợn tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh
Thu Phương - 28/02/2019 14:55
 
Trước diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sáng 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, các địa phương về việc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch.
.
Đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam vẫn đang cơ bản được kiểm soát tốt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 28/2, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 96 hộ thuộc 20 xã của 13 huyện ở 6 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nam và Hà Nội.

Tổng số lợn bị mắc bệnh, phải tiêu huỷ là 2.349 con. Riêng tại Hà Nội, bệnh Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng dương tính với bệnh đã được tiêu huỷ.

Ngay sau khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và nhân dân tổ chức tiêu huỷ số lợn dương tính với virus Dịch tả lợn châu Phi. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch.

Thành lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn từ vùng dịch. Đồng thời, tổng rà soát đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh để xác định sớm nguy cơ bệnh dịch. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày.

Dù đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam vẫn đang cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguy cơ về bệnh dịch này vẫn hết sức phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dù không gây nguy hiểm cho người, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan và gây chết rất nhanh trên đàn lợn. Không chỉ vậy, đến nay vẫn chưa có vắc xin điều trị, do đó, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung cao độ triển khai đồng bộ, cấp bách các giải pháp.

Trong đó, cần chuẩn bị sẵn sàng phương án cho nguy cơ bệnh dịch lây lan ra diện rộng. Một trong những giải pháp cần tập trung triển khai, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, là phải kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm thịt lợn tại các tỉnh biên giới. Tập trung nghiên cứu phương pháp xử lý lợn bị bệnh tốt nhất hiện nay. Đồng thời, tiếp tục phân loại để tiến hành hỗ trợ thoả đáng cho người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát, xử lý bệnh Dịch tả lợn châu Phi ngay từ những ngày đầu xâm nhiễm vào Việt Nam. Đối với nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung vào giải pháp thông tin tuyên truyền để người dân, người chăn nuôi biết, cùng vào cuộc, cam kết thực hiện 5 không trong ứng phó bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Nêu cao vai trò của các cấp uỷ, chính quyền trong ứng phó bệnh dịch. Thành lập ngay các ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó trong các tình huống khác nhau, như đối với phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh việc cần chủ động các biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch. Đặc biệt là trong công tác hỗ trợ người chăn nuôi. Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay lập tức cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo cơ chế giá thị trường. Đây sẽ là giải pháp có ý nghĩa quyết định nhằm ngăn chặn bệnh dịch.

Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm qua người, người dân không nên hoang mang lo lắng
Đây là thông tin được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết tại cuộc họp báo tổ chức ngày 19/2 tại Hà Nội. 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư