Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán số dựa trên nền tảng Big data
Anh Ngọc - 26/09/2020 19:21
 
Đến năm 2030, Kiểm toán nhà nước sẽ chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030).
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng mới; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, những quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam nói chung và quá trình hiện đại hóa ngành kiểm toán, chuyển đổi số ở Kiểm toán nhà nước nói riêng; thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước và nhận thức của xã hội.

Phát triển tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước; duy trì ổn định hoạt động các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực; thực hiện nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Tin học thành Trung tâm công nghệ thông tin và dữ liệu; nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành trên mọi hoạt động.

Xây dựng đội ngũ công chức Kiểm toán nhà nước tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Biên chế của Kiểm toán nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ, đến năm 2030 tối đa không quá 2.700 người. Sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế; 100% kiểm toán viên nhà nước, công chức trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán, làm công tác kế hoạch, tổng hợp, thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế; nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực.

Một mục tiêu nữa là phấn đấu giai đoạn 2026 - 2030 kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo dõi, đôn đốc và có giải pháp để đến năm 2030 hầu hết các kiến nghị kiểm toán được thực hiện; chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động; thực hiện hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao năng lực kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, yêu cầu giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Trong hợp tác quốc tế, lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát triển đồng thời hợp tác song phương và đa phương, trong đó hợp tác đa phương nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế với cộng đồng quốc tế thông qua việc chủ động tham gia, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán chung; hợp tác song phương nhằm tập trung phát triển chiều sâu, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực của Kiểm toán nhà nước; tổ chức thực hiện một số cuộc kiểm toán phối hợp, cử hoặc tiếp nhận cán bộ tham gia thực tập kiểm toán, thực hiện đánh giá chéo giữa các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới.

Nội dung Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Phải giữ chất lượng kiểm toán
Năm 2020, do Covid-19, nên lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) buộc phải tạm dừng có thời hạn các cuộc kiểm toán theo kế hoạch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư