Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lo ngại về quyền truy cập dữ liệu điện tử doanh nghiệp của Kiểm toán Nhà nước
Kỳ Thành - 25/10/2019 18:54
 
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được bổ sung thêm quy định về quyền truy cập của Kiểm toán Nhà nước đối với dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán. Các đại biểu lo ngại rằng, quy định này có thành tiền lệ để sau này các cơ quan thuế, thanh tra cũng đề xuất quyền truy cấp cơ sở dữ liệu liên quan khi thực hiện nhiệm vụ?

Chiều nay (25/10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về dự án luật này là về quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán của KTNN.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, có ý kiến tán thành quy định của Dự thảo luật nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán.

“Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm và phân quyền truy cập phù hợp. Có ý kiến đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật); đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lo ngại quy định này sẽ trở thành tiền lệ cho các cơ quan thuế, thanh tra cũng đề xuất quyền truy cấp cơ sở dữ liệu

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, góp phần giảm nhân lực, rút ngắn thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) và Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) có cùng quan điểm về việc quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý đến việc tuân thủ các nguyên tắc bảo mật và giới hạn phạm vi thông tin truy cập, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, việc phân cấp thẩm quyền truy cập và việc giám sát thực hiện.

Băn khoăn về tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của quy định này, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cần căn nhắc quy định này đển không ảnh hưởng đến quyền của các đối tượng kiểm toán; vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia khi truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia; năng lực của Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán để truy cập vào cơ sở dự liệu điện tử; việc xử lý khi đối tượng kiểm toán và đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán không đồng thuận với phạm vi truy cập dữ liệu điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng bày tỏ băn khoăn với việc liệu quy định này có thành tiền lệ để sau này các cơ quan thuế, cơ quan thanh tra cũng đề xuất quyền truy cấp cơ sở dữ liệu liên quan khi thực hiện nhiệm vụ?

Phát biểu giải trình trước các đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong xu thế thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của thể giới hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử.

Do vậy, Kiểm toán Nhà nước bắt buộc phải theo kịp xu thế ấy, cung cấp các hồ sơ, dữ liệu điện tử thay cho các hồ sơ, dữ liệu giấy.

Về lo lắng của các đại biểu Quốc hội trong việc mật bí mật của các cá nhân, doanh nghiệp có được đảm bảo hay không, ông Hồ Đức Phớc cho rằng điều này không đáng ngại, bởi khi muốn truy cập điện tử vào một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan, tổ chức đó đồng ý và cấp tài khoản. Hơn nữa, các cơ quan, đơn vị đều có giới hạn truy cập phạm vi về nội dung.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư