Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Kiên Giang “khoác áo mới” nhờ tín dụng chính sách
Hà An - 22/06/2024 09:26
 
Bộ mặt nông thôn Kiên Giang “khoác áo mới”, kinh tế phát triển đồng đều, đời sống của nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc Khmer trên vành đai biên giới giảm sâu…
Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại phường An Hòa, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Tập trung nguồn lực

Điểm nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Kiên Giang là tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn vào cuộc tích cực, huy động mọi nguồn lực tài chính, tập trung huy động các nguồn vốn chính sách để giúp dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ngành tài chính tỉnh đã căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, tham mưu đúng và kịp thời, giúp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng thêm thế và lực hoạt động, nhất là chủ động được nguồn vốn hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh, huyện chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội hiện là 492 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với năm 2014 để cho vay tới các đối tượng chính sách đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn. Điều này thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai Chỉ thị 40-CT/TW; tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối.

Theo đó, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đến ngày 30/4/2024 được nâng lên 6.103 tỷ đồng, tăng 3.926 tỷ đồng so với 10 năm trước. Tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn đạt đến đích 6.000 tỷ đồng. Cả nguồn vốn do đích thân hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội huy động tại cộng đồng dân cư cũng tăng trưởng đáng kể, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn chính sách.

Cùng với việc tiếp nhận, huy động, tạo lập nguồn vốn lớn từ nhiều kênh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đã kiên trì, năng động trong việc thực hiện quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách đã trưởng thành từ hành trình vì an sinh và công bằng xã hội, đa phần có trình độ đại học, trên đại học, có đủ năng lực chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc. Cùng với sự gắn bó với quê hương, tận tâm với người nghèo, họ bền bỉ khơi thông dòng vốn tín dụng ưu đãi chảy đều đặn về khắp làng quê trên biên ải, ngoài đảo vắng. Trên mảnh đất biên giới Kiên Giang hiện không có hộ nghèo nào có nhu cầu, có đủ điều kiện mà không vay được vốn tín dụng chính sách…

Hiệu quả của đồng vốn nhân văn

Bí thư Huyện ủy Giang Thành (Kiên Giang), ông Ong Văn Ngay cho biết, trong các chương trình dự án, giải pháp thực hiện công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng biên giới này, thì không gì sánh bằng việc tập trung nguồn vốn chính sách đầu tư làm động lực chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

“Việc đưa Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng vào cuộc sống được xem là khâu đột phá cho nguồn vốn chính sách tăng trưởng nhanh và hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy hiệu quả. Thế nên, người dân được hưởng lợi nhiều trong quá trình giảm nghèo nhanh, làm giàu chính đáng”, ông Ngay nói.

Một trong những minh chứng là gia đình chị Nguyễn Thị Diễm (ngụ tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh), khởi nghiệp bằng 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi. Họ đã thâm canh 200 m2 rau sạch, nuôi vỗ béo đàn lợn thịt 10 con, thu lợi hàng năm tới 100 triệu đồng, cuộc đời đã sang trang mới.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Công Thiệt cho biết, nhiều năm liền, nhất là sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng, đơn vị luôn làm tròn nhiệm vụ tiên phong, góp phần tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an ninh xã hội của địa phương.

Cụ thể, hỗ trợ 402.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, hỗ trợ hơn 58.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 46.000 lao động, trong đó 463 người vay vốn đi lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài; gần 18.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 283.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, trên 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ dân bị ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Tín dụng chính sách xã hội tạo cơ hội tiếp cận vốn bình đẳng cho người nghèo
Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, tạo cơ hội bình đẳng tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư