Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Kiên Giang tăng cường các hoạt động xúc tiến với tinh thần chủ động
Trúc Giang (thực hiện) - 25/12/2023 07:38
 
Theo bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang, năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch.
Đoàn công tác tỉnh Kiên Giang trong chuyến xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại tại Vương quốc Anh
Đoàn công tác tỉnh Kiên Giang trong chuyến xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại tại Vương quốc Anh

Bà có thể chia sẻ kết quả đạt được về công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch của tỉnh Kiên Giang trong năm 2023?

Trong năm 2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang (Trung tâm) đã tăng cường các hoạt động xúc tiến với tinh thần chủ động, đạt 137% chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng và các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch.

Thông qua các hoạt động trên, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tỉnh tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư; thương thảo, thỏa thuận, nhiều hợp đồng giao thương hàng hóa được ký kết; tạo sức lan tỏa rộng lớn đến các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút đầu tư và phát triển thương mại, du lịch theo Kế hoạch năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bà cho biết một số hoạt động xúc tiến tiêu biểu mà Trung tâm đã thực hiện?

Về xúc tiến đầu tư, Trung tâm tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị triển khai Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quảng bá tiềm năng Kiên Giang, phục vụ Đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại tại Ấn Độ. Chủ trì xây dựng video “Kiên Giang - điểm đến lý tưởng” cho các nhà đầu tư; chuyển đổi số danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư… 

Về xúc tiến thương mại, Trung tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương.

Ảnh minh họa.
Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang

Trong năm 2023, hoạt động xúc tiến của tỉnh Kiên Giang diễn ra sôi động. Trung tâm đã phối hợp với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp tham gia 42 sự kiện, kết nối thương thảo hợp đồng và kết nối tiêu thụ cho 497 doanh nghiệp (trong đó 309 là doanh nghiệp thương mại, 188 là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch) với các đối tác trong và ngoài nước.

Qua đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết 62 bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực thương mại, du lịch; 1 đơn vị mở đại lý phân phối tại Campuchia; 5 đơn vị ký hợp đồng đưa hàng vào hệ thống siêu thị Co.op mart; 2 đơn vị mở đại lý phân phối tại Hà Nội; 2 đơn vị mở đại lý phân phối trong tỉnh.

Với thị trường trong tỉnh, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng tại Lễ hội Phan Thị Ràng - Hòn Đất, Lễ hội Mai Thị Nương - Giồng Riềng, Lễ hội Ok Om Bok - Gò Quao, Lễ hội Nghinh Ông - Kiên Hải; tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, siêu thị cho 16 doanh nghiệp; tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa 40 doanh nghiệp Kiên Giang với 50 doanh nghiệp Long An, TP.HCM.

Với thị trường ngoài tỉnh, Trung tâm đã tổ chức tham gia 13 sự kiện xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ triển lãm, hội nghị và hội thảo giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bến Tre, với 101 doanh nghiệp tham gia.

Đồng thời, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến thương mại - du lịch - đầu tư Ấn Độ và Kiên Giang, kết nối giao thương cho 150 doanh nghiệp Ấn Độ với 40 doanh nghiệp Kiên Giang.

Với thị trường ngoài nước, Trung tâm đã tổ chức 5 chương trình xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh, Campuchia, với 22 doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tiếp và làm việc với các Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM nhằm thúc đẩy phát triển, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa tỉnh Kiên Giang và các nước.

Về xúc tiến du lịch, Trung tâm đã tích cực phối hợp với ngành du lịch các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả công tác phát triển thị trường, liên kết xây dựng dịch vụ sản phẩm, các chương trình kích cầu du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước và tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường trọng điểm du lịch quốc tế.

Cụ thể, tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch gắn với các sự kiện như Lễ hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các; Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV - năm 2023…

Tổ chức tham gia hội chợ triển lãm, chương trình khảo sát điểm đến và hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước 10 cuộc, với 138 doanh nghiệp tham gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận, Lào Cai, Bình Định, Vĩnh Long; 4 cuộc với 5 doanh nghiệp tham gia tại Nhật Bản, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Campuchia.

Tổ chức 2 cuộc khảo sát du lịch điểm đến tại Phú Quốc, Kiên Hải, cho 25 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối với 30 doanh nghiệp Trung Quốc và 20 doanh nghiệp ngoài tỉnh, nhằm tăng cường công tác kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch của Phú Quốc và Kiên Hải.

Ngoài ra, Trung tâm đã thông tin 95 lượt về các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các hội chợ triển lãm trong nước với 61 hoạt động, ngoài nước với 34 hoạt động đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động xúc tiến đã đóng góp ra sao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong năm 2023, thưa bà?

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2023, kinh tế tỉnh phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 106,79% so với cùng kỳ; hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định.

Có thể nói, đây là kết quả mang lại từ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất đã phát huy tác dụng. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường, lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, doanh thu tăng cao so cùng kỳ.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh. Song song đó, nhiều giải pháp kích cầu gắn với tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết hợp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch phát huy hiệu quả đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với điểm sáng là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch được ghi nhận có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 của tỉnh ước đạt 135.940 tỷ đồng, vượt hơn 16% kế hoạch và tăng 18,18% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 860 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,23% so cùng kỳ.

Về du lịch, trong năm nay tổng lượng du khách đến tỉnh khoảng 8,535 triệu lượt, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ; riêng khách du lịch quốc tế đạt 573.000 lượt, vượt 63,8% kế hoạch, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch là 17.479 tỷ đồng, vượt 34,5% so với kế hoạch, tăng hơn 65% so với cùng kỳ.

 

Phát huy kết quả nêu trên, trong năm 2024, đơn vị đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ra sao, thưa bà ?

Năm 2024 là năm cần tạo ra bứt phá mạnh mẽ để góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng cường mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các dự án trọng điểm ưu tiên mời gọi đầu tư, góp phần thu hút tối đa mọi nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra.

Về thương mại, tiếp tục củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống, khai thác tốt các thị trường hiện có, chú trọng tìm kiếm khách hàng và thị trường mới; nắm bắt thông tin, nhu cầu của thị trường, khai thác và phát triển thị trường nội địa, thị trường nước ngoài nhằm xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực mà tỉnh có thế mạnh như nông sản, thủy sản; tổ chức triển khai có hiệu quả các phiên chợ đưa hàng Việt sản phẩm OCOP về nông thôn.

Về du lịch, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển các tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế...

Khánh thành cầu nối yêu thương số 104 và khởi công 2 cây cầu mới tại Kiên Giang
Đây là “Cầu nối yêu thương” thứ 8 của Nhựa Tiền Phong và là cây cầu thứ 19 của nhóm thiện nguyện Từ Tâm trong chương trình “Cầu nối yêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư