Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Kiến nghị chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm
D.Ngân - 14/02/2023 21:13
 
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Hiệp hội, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học có định hướng sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm, theo hướng sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, để quyết định vấn đề này, Hiệp hội cho rằng cần nhìn lại công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Ngoài ra, Hiệp hội cho rằng một điều đáng lo ngại là hiện tượng thiếu, thừa giáo viên phổ thông trở nên gay gắt trong 5 năm lại đây. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai năm thứ hai nhưng chưa thấy những dấu hiệu chứng tỏ đội ngũ giáo viên có thể bảo đảm dạy tốt chương trình mới. Chưa kể, sách giáo khoa có những “sạn” đang làm khó cho giáo viên.

Đáng chú ý, đề án sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập mới các trường sư phạm trọng điểm có những khía cạnh rất đáng lo ngại. Cụ thể, không kế thừa những giá trị tích cực của lịch sử phát triển đội ngũ và giải bài toán giáo viên trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Với các bất cập nêu trên, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các cơ sở giáo dục sư phạm ở trung ương (đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm), các cơ sở giáo dục sư phạm ở địa phương (các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương).

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình, theo hướng đào tạo các nhà giáo dục (kể cả trình độ cao đẳng) chứ không theo hướng “thợ dạy”; bảo đảm liên thông cả hệ thống. 

Thực hiện quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo, phân công sau tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm (các trường này được tự chủ cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học giáo dục).

UBND các tỉnh, thành quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo, phân công sau tốt nghiệp cho các trường, khoa sư phạm địa phương đào tạo giáo viên mầm non, trung học, trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị hướng tới một hệ thống sư phạm mở. Các cơ sở sư phạm trở thành trường giáo dục thuộc đại học đa lĩnh vực, hoặc khoa sư phạm trong trường đại học, cao đẳng địa phương.

Ngoài ra, theo Hiệp hội, trong khoảng 10 năm tới, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên tổ chức chủ yếu theo địa chỉ, chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn. 

Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng, đại học sư phạm địa phương của mình.

Với những trường sư phạm chưa đạt chuẩn đại học như quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).

Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và xem như một giải pháp quan trọng thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Để làm được điều đó, các địa phương cần sớm thành lập một hội đồng tư vấn có thể gọi là “Hội đồng Giáo dục - Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực”, bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương.

Hội đồng làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm. Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục - đào tạo thống nhất, hội đồng trường càng phát huy tác dụng mạnh.

Đặc, biệt, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cần khuyến khích các địa phương thành lập cụm trường liên kết trên địa bàn của mình.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và sư phạm
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư