Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Kiến nghị đóng cửa Trung tâm thương mại Saigon Square vì kinh doanh nhiều hàng giả
Việt Dũng - 19/01/2021 17:05
 
Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiến nghị Thành phố cho đóng cửa Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TP.HCM) vì nơi đây kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (phụ trách địa bàn quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận), Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiến nghị Thành phố đóng cửa Trung tâm thương mại Saigon Square.

Theo ông Lê Hồng Hải, Trung tâm thương mại Saigon Square đang kinh doanh nhiều hàng hóa giả các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn, xuất xứ rõ ràng và còn đối phó với các cơ quan chức năng. Khi Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra hàng hóa thì các chủ quầy sạp tạm thời đóng cửa, gây khó khăn.

Trung tâm thương mại Saigon Square bị đề nghị đóng cửa vì kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trung tâm thương mại Saigon Square bị đề nghị đóng cửa vì kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chủ đầu tư Trung tâm thương mại Saigon Square cũng chưa có sự hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý người thuê quầy sạp vi phạm. Vì vậy, ông Lê Hồng Hải đề nghị không tiếp tục cho Trung tâm thương mại Saigon Square kinh doanh mà nên đóng cửa để chấn chỉnh.

Báo cáo về kết quả kiểm tra, xử phạt các vụ vi phạm hành chính trong năm 2020, ông Nguyễn Tiến Đạt, Cục phó Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tổng số vụ kiểm tra là 3.862 vụ, xử lý 2.735 vụ, giảm hơn 41% so với cùng kỳ. 

Trong đó có 1.031 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND các cấp; 1.704 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định tịch thu theo thẩm quyền của Quản lý thị trường. Tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước trong năm 2020 là gần 60 tỷ đồng, giảm 48,32% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhấn mạnh, năm 2020 nổi lên mặt hàng thuốc lá điện tử, đây là mặt hàng chưa được cấp phép lưu hành ở nước ta. Vì thế tất cả hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa chủ yếu được thông qua mạng xã hội, Facebook... gây khó khăn cho công tác kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Dự báo trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, cung cầu hàng hóa sẽ không ổn định. Do đó, tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Do vậy, trong thời gian từ nay đến sau Tết Nguyên năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Nạn hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối
Trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm, thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng, đồng thời khởi tố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư