Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Kinh doanh bánh kẹo thận trọng trong mùa Trung thu
Hồng Phúc - 13/09/2020 10:29
 
Nhu cầu tiêu thụ bánh Trung thu năm nay được dự đoán giảm 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dần bị đào thải, cuộc cạnh tranh trên thị trường chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu lâu năm.

Thị trường bánh Trung thu năm nay là cuộc “so găng” của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu. Ảnh: Đức Thanh
Thị trường bánh Trung thu năm nay là cuộc “so găng” của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu. Ảnh: Đức Thanh

Nhu cầu giảm do đại dịch

Thông thường, thị trường bánh Trung thu tăng trưởng từ 5 đến 10%/năm, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, trong năm nay, nhu cầu thị trường với sản phẩm này ước giảm 10 - 20% so với cùng kỳ 2019, nhưng không vì thế mà các nhà sản xuất chùn tay trong đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, kỳ vọng kích thích sức tiêu thụ quay trở lại. 

Sau cơn sốt bánh mỳ thanh long, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cho biết, mùa Trung thu năm nay, đơn vị này đã ra mắt nhiều sản phẩm mới. Nổi bật là các loại bánh được sản xuất từ thanh long, sầu riêng, cà phê của Việt Nam, kết hợp với các nguyên liệu cao cấp từ Mỹ.

Ông Kao lấy ví dụ, nếu như chiếc bánh Trung thu truyền thống gồm khoảng 20 loại nguyên liệu quen thuộc như bột mì, đường, đậu xanh, thì nay ABC Bakery kết hợp các loại nông sản nổi tiếng ở Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu như hạt óc chó, hạnh nhân…

Các nhãn hàng khác như Công ty cổ phần Bibica, hay Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO cũng thận trọng khi đưa ra kế hoạch sản xuất bánh Trung thu năm nay.

Bibica xây dựng kế hoạch tương đương năm ngoái, với khoảng 600 tấn bánh và đóng góp 15% trong tổng doanh thu của cả năm.

Trong khi đó, KIDO chỉ đặt kế hoạch sản lượng là 400 tấn bánh, ước tính đạt doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Kế hoạch quay trở lại ngành bánh và bước đầu là bánh Trung thu được KIDO ấp ủ từ các năm trước, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

“Chúng tôi liên tục theo dõi diễn biến thị trường để có kế hoạch kinh doanh hợp lý theo từng thời điểm”, ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc KIDO nói.

Thận trọng và theo dõi diễn biến thị trường trước tình hình dịch bệnh trở thành công việc chung của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu. Ngay cả đơn vị tự tin có 20% thị phần bánh trung thu, sở hữu kênh phân phối trải dài và uy tín thương hiệu như Bibica cũng không ngoại lệ.

“Kế hoạch sản xuất của chúng tôi được chia thành 4 giai đoạn để theo dõi sát thị trường, từ đó điều tiết cho phù hợp. Vì diễn biến của dịch là không thể dự đoán, nên mọi hoạt động kinh doanh không được chủ quan”, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Bibica nói và cho biết, thị trường trong vài tuần qua có nhiều tín hiệu lạc quan từ nhóm khách hàng tổ chức (chiếm 60% tổng lượng bánh trung thu bán ra hàng năm của Bibica). Nhu cầu các khách lẻ - nhóm đối tượng mua khoảng 40% tổng sản lượng bánh trung thu hàng năm được dự đoán giảm so với các năm trước.

“Chúng tôi có hệ thống phân phối rộng khắp, nên vẫn đặt mục tiêu vào khả năng sản lượng bán đến khách lẻ sẽ giữ được tính ổn định như năm ngoái”, ông Hoàng nói thêm.

Doanh nghiệp nội cố gắng làm chủ cuộc chơi

Thị trường bánh kẹo nói chung và bánh Trung thu nói riêng tại Việt Nam được định hình rõ với 2 nhóm nổi bật, trong đó các doanh nghiệp có quy mô lớn, tồn tại lâu năm trên thị trường như Bibica và các nhãn hàng được phát triển theo chuỗi cửa hàng, tập trung vào thị trường địa phương như ABC Bakery, Givral, Brodard…

Hai nhóm này vẫn duy trì được thế mạnh trong mùa bánh Trung thu, còn nhãn nhỏ lẻ đã bị sàng lọc nhiều trong thời gian qua.

“Người tiêu dùng ngày càng khắt khe, nhất là sản phẩm để biếu tặng. Đây là cơ hội cho nhãn hàng lớn như Bibica, là thương hiệu lâu đời lại có kênh phân phối rộng”, ông Nguyễn Quốc Hoàng nhận định.

Hiện không có nhiều doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp như Bibica, Mondelez, Orion, Hữu Nghị… Trong đó, kênh bán hàng truyền thống mang về khoảng 80% trong tổng doanh thu cho doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo. Các sản phẩm ngoại tuy dễ dàng tiếp cận kênh hiện đại, nhưng lại khó đi vào kênh truyền thống như doanh nghiệp nội địa.

Đại diện Bibica còn quan sát thị trường bánh kẹo ở nước ngoài, đánh giá cụ thể từng quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… qua đó nhận thấy, các doanh nghiệp bánh kẹo nội địa ở các nước này đều chiếm thị phần lớn nhất. Do đó, ông Hoàng đặt niềm tin ở Việt Nam, dù Bibica chỉ đứng vị trí thứ 3 trên thị trường về quy mô, lợi nhuận, nhưng 5-7 năm nữa, doanh nghiệp này có thể vươn lên vị trí dẫn đầu.

Năm nay, việc quay trở lại thị trường bánh Trung thu của KIDO cũng khiến thị trường sôi động và cạnh tranh hơn.

“Năm đầu tiên, chúng tôi không đặt nhiều triển vọng về sản lượng mà chỉ chọn một số loại. Hai năm kể từ khi ra mắt thị trường, chúng tôi sẽ đứng vị trí thứ 2 trên thị trường bánh kẹo”, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO tự tin.

Trong ngành bánh kẹo, mùa sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu được xem là giai đoạn có nhiều phức tạp, thể hiện khả năng quản trị của các lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Vài tuần trước rằm Trung thu, giá mỗi chiếc bánh có thể từ vài trăm ngàn đồng, nhưng chỉ ngay sau rằm, giá trị đã giảm đi rất nhiều, bởi thế các chủ thương hiệu phải có chính sách bán hàng rất linh hoạt.

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp ngành bánh kẹo, ngoài chất lượng, có 3 yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả kinh doanh mùa bánh Trung thu gồm: nghiên cứu phát triển đúng nhu cầu; các ý tưởng marketing phù hợp để tạo thiện cảm; hệ thống phân phối rộng khắp nhằm tiếp cận nhanh nhất đến khách hàng.
“Sau 2 năm, Kido sẽ về vị trí thứ 2 ngành bánh kẹo Việt Nam”
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido tự tin sẽ đứng thứ 2 thị trường bánh kẹo sau hai năm quay lại thị trường, kể từ tháng 08/2020 khi tung hàng loạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư