Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế 2020 qua đánh giá bổ sung của Chính phủ
An Nguyên - 23/03/2021 08:48
 
Tại Kỳ họp thứ 11 khai mạc ngày 24/3/2021, tài liệu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội, thu - chi ngân sách năm 2020 sẽ được gửi đến các đại biểu.

Tại Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV, khai mạc vào ngày 24/3/2021, Quốc hội sẽ không nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội như các kỳ họp định kỳ khác, nhưng đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách năm 2020 vẫn là tài liệu quan trọng gửi đến từng vị đại biểu. 

Tốc độ tăng CPI năm 2020 là một trong 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10

Giải ngân đầu tư công cao nhất trong nhiều năm

Trước đó, ở Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến khả năng thực hiện quý IV/2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Ký báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, khẳng định nước ta đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Nền kinh tế tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định; phát triển văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đặc biệt thành công trong đối ngoại.

“Qua đó càng củng cố những nhận định mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, đánh giá chung cả năm 2020 như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua...”, Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Về những thay đổi so với Báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ khẳng định đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%).

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo là 2 - 3%); tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Thông tin đáng chú ý nữa tại báo cáo bổ sung là cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng, năm 2020, đã ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện khung khổ chính sách và hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhận định cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thúc đẩy với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020, song Báo cáo cũng nêu một hạn chế rất cũ là tiến độ triển khai cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đến ngày 24/12/2020, đã thực hiện thoái vốn nhà nước theo giá trị sổ sách tại các doanh nghiệp là 2.505,6 tỷ đồng, thu về 5.965,7 tỷ đồng; số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 12.300 tỷ đồng, bằng 27,3% kế hoạch.

“Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng có thể đánh giá, kế hoạch năm 2020 đã được thực hiện thành công, không chỉ giữ được ổn định, mà còn phát triển; không chỉ tháo gỡ khó khăn, mà còn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vươn lên, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội”, Báo cáo khái quát.


Ngân sách sáng hơn

NSNN năm 2020 cũng đạt kết quả khả quan hơn so với Báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, theo Báo cáo được Bộ truởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội.

Cụ thể, dự toán thu NSNN thực hiện đạt 1.507.800 tỷ đồng, tăng 158.000 tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội. Trong thu nội địa, đáng chú ý là thu tiền sử dụng đất, dự toán thu là 95.900 tỷ đồng, báo cáo Quốc hội ước đạt 121.00 tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt 172.700 tỷ đồng, vượt 76.800 tỷ đồng (80,1%) so với dự toán, tăng 51.700 tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội.

Chính phủ lý giải, trong điều kiện nguồn thu từ thuế, phí gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, nhiều địa phương đã  đẩy mạnh thu hút đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, cho thuê đất và thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản, nhằm huy động thêm từ nguồn thu này để đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách ở địa phương. 3 tháng cuối năm, các địa phương đã thu 72.300 tỷ đồng tiền sử dụng đất, góp phần đưa số thu tiền sử dụng đất cả năm vượt  dự toán và báo cáo Quốc hội.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 85,7% năm 2020 (kế hoạch là 84 - 85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 14,1% năm 2020.

Nhờ chuyển biến tích cực trong thu ngân sách, nên tổng chi NSNN đạt gần 1.788.000 tỷ đồng, tăng 14.200 tỷ đồng (0,8%) so với dự toán, tăng 75.100 tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi NSNN ước đạt 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28,8% GDP. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 30% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Đánh giá rõ hơn kết quả các gói hỗ trợ

Là cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong năm 2020, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã chủ động, kịp thời đưa ra các giải pháp và triển khai quyết liệt để đạt được mục tiêu kép: vừa chống dịch thành công, vừa giữ ổn định và phát triển nền kinh tế.

Riêng các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19, theo cơ quan thẩm tra, là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và kiểm soát không để trục lợi chính sách.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 khi "đối mặt" với Virus Corona
Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư