Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế 2020 và những điểm lưu ý
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ những góc nhìn đáng chú ý về kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2020.

Rủi ro bất định tăng cao

Có thể nói, diễn biến nền kinh tế thế giới đang được gói gọn trong cụm từ: giảm tốc, tăng trưởng chậm lại và rủi ro bất định.

Trước hết là vấn đề giảm tốc, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, giảm tốc có thể kéo dài trong trung hạn. IMF thậm chí sửa dự báo nhiều lần.

Trong báo cáo mới nhất OECD cũng dự báo năm nay kinh tế giảm tốc, năm 2020 tiếp tục giảm, năm 2021 có thể đi lên chút đỉnh.

Trong những nước giảm tốc, có thể xảy ra nặng ở những quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước ASEAN.

.
.

Thứ hai là tăng trưởng chậm lại. Trước đây, tăng trưởng thương mại lớn hơn tăng trưởng GDP toàn cầu, nhưng cách đây 2 năm, tăng trưởng thương mại đã nhỏ hơn GDP, năm nay cũng thấp hơn.

Các dự báo đưa ra từ các tổ chức quốc tế cũng rất khác nhau, vì hiện nay, kinh tế bất định và rủi ro cao, ảnh hưởng từ địa chính trị Bắc Hàn, biển Ðông và châu Âu…

Diễn biến tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu có thể thấy rõ qua đà lan rộng của chính sách nới lỏng tiền tệ. Tới nay, có khoảng 30 - 40 ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, đơn cử Mỹ giảm mạnh mỗi lần 25 điểm phần trăm.

Thứ ba là tính bất định, đặc biệt về giá cả các mặt hàng quan trọng. Ðơn cử, các dự báo về giá dầu trong 2 năm nay đều không chính xác.

Rất nhiều người băn khoăn tại sao các nước OPEC cắt giảm sản lượng, kinh tế giảm tốc nhưng thế giới lại thừa cung, Iran bị cấm vận nhưng lượng dầu xuất khẩu trên thị trường vẫn không nhỏ. Thực tế là Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhờ khai thác dầu đá phiến.

Câu hỏi được mọi người quan tâm hiện nay là cuộc tranh cử của Tổng thống Donald Trump có khiến thế giới bước vào suy thoái hay khủng hoảng không?

Có những dự báo kinh tế thế giới có thể suy thoái từ cuối năm 2020, đầu năm 2021. Trong một báo cáo mới đây của PwC, có dẫn ra những lý do cho kinh tế suy thoái.

Thứ nhất là bong bóng Dow Jones đã lên tới trên 28.000 điểm, mức cao chưa từng có.

Thứ hai, chính sách tiền tệ chưa kịp trở lại bình thường thì phải nới lỏng, không nới lỏng thì suy thoái, nới lỏng thì nhiều tiền, lạm phát cao.

Thứ ba, dòng tiền ngầm trên thế giới rất lớn. Thứ tư, hai năm nay, đường cong lãi suất trái phiếu dài hạn lại thấp hơn ngắn hạn. Ðiều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào trung hạn không tốt.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự báo còn kéo dài, vì đây là cuộc chiến gây ảnh hưởng vị thế lớn. Cuộc chiến có thể có mô hình, cách thức gia tăng, chẳng hạn như những bất ổn như tại Hồng Kông vừa qua...

Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam có lợi hay hại? Cho đến nay, chúng ta thấy Việt Nam không có lợi cả trong ngắn hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có lợi khi nhìn vào sự chuyển hướng thương mại, đầu tư trong một số ngành như điện tử, đồ gỗ, đầu tư…

Nhưng nếu nhìn kỹ, tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 là 13 - 16% thì 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 8,2%, cả năm được dự báo chỉ đạt 7,5%, như vậy quý IV là tăng trưởng âm. 

So với các nước tăng trưởng thấp, con số 7 - 8% là khá, nhưng so với chính chúng ta và tổng thể thì rõ ràng là không tốt.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, các đối tác của Việt Nam giảm tốc, kéo theo suy giảm nhu cầu nhập khẩu.

Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng 0, thậm chí âm, đây là điều chưa từng có.

Tăng trưởng xuất khẩu sang EU cũng bằng 0 trong 10 tháng. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mexico tăng trưởng, nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong kim ngạch xuất khẩu nên đóng góp trong nền kinh tế không quá cao.

Ðiều các doanh nghiệp cần lưu ý là tăng trưởng 7 - 8% có đóng góp chủ yếu là xuất khẩu sang Mỹ lên tới 28%. Năm nay, xuất khẩu sang Mỹ của nước ta ước đạt trên 50 tỷ USD.

Nhưng, đằng sau đó là nhập khẩu nguyên phụ liệu, thặng dư 11 tháng lên tới trên 9 tỷ USD, mạnh nhất là với Trung Quốc tăng trưởng gần 20%, vào một số mặt hàng có sẵn tương đồng như điện tử, gỗ...

Ðây lại là câu chuyện gây khó cho Việt Nam (có gian lận thương mại không, sẽ cần chính sách ứng xử với Mỹ).

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang nên nhiều nước chuyển hướng chính sách, chẳng hạn Hàn Quốc có chính sách hướng Nam từ năm ngoái, tập trung vào Ấn Ðộ và ASEAN, trong đó có Việt Nam và Indonesia.

Giới chuyên gia kinh tế từng tiếp cận với một nghiên cứu đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại đến Việt Nam, trong đó nhận định, nếu thêm yếu tố bất định như hiện nay thì tác động tiêu cực tới nền kinh tế là nhiều.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng ta lưu ý một điều, 3 quý, tăng trưởng GDP đạt trên 7% mà cả năm Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, tức là  quý IV, chúng ta sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng có thể chậm lại.

Nhìn một cách vĩ mô, đầu tư công (cả ODA cho vay và cho không) đều thấp; doanh nghiệp nhà nước chững lại, cổ phần hóa rất khó khăn, giải ngân đầu tư công khó.

Chỉ số MPI 2 tháng gần đây chỉ đạt trên 50, tức là sản xuất có dấu hiệu giảm. Tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 13,5%. Cũng cần lưu ý là, tăng trưởng của Việt Nam dựa vào FDI, mà FDI thì dựa vào tăng trưởng tín dụng của Việt Nam không nhiều.

Tuy nhiên, nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tiếp tục tích cực. Quốc hội đã thông qua các mục tiêu năm tới tăng trưởng 6,8%, lạm phát dưới 4%, tăng trưởng xuất khẩu 7%. Áp lực lãi suất, tỷ giá, lạm phát không cao, thì năm 2020, Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa không phải tăng lãi suất, có điều kiện hạ lãi suất, ít nhất đi ngang. 

Góc nhìn thị trường

Về mặt vĩ mô, tăng trưởng kinh tế tốt, nhưng tại sao chứng khoán, bất động sản lại giảm. Nhà đầu tư từ tâm lý hứng khởi đến thận trọng và giờ rất do dự.

Tôi nhớ mọi năm, HSBC cứ cuối năm đều tung ra dự báo triển vọng kinh tế năm sau, nhưng năm nay chưa thấy. Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới 3 tháng đã thấy sai, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm xuống dưới 4.000 tỷ đồng/ngày…

Như vậy, có thể thấy, kinh tế vĩ mô tốt nhưng bất định và rủi ro quá lớn, khiến các nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ.

Với thị trường bất động sản, các nhận định tại diễn đàn bất động sản đều cho rằng, năm tới sẽ trầm hơn. Các dữ liệu cho thấy, giao dịch thành công, cung trên thị trường, số lượng dự án được phê chuẩn có thể giao dịch đều giảm.

Trong tương lai gần, chỉ có bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tốt. Năm nay, sự bùng nổ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, “vỡ trận” Cocobay, đất nền dự án "ma", đều khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm.

Yếu tố niềm tin sẽ đóng vai trò quan trọng trên thị trường năm tới. Có thể chứng minh điều này rõ ràng trong lĩnh vực bất động sản. 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt gần 14%, tính chung với cả chủ đầu tư và người mua nhà, tốc độ này thấp hơn năm 2018, nhưng không thấp hơn so với các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng, có 32% dành cho nhà phát triển bất động sản, 68% dành cho người mua nhà. Ðiều này cho thấy, tăng trưởng của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào hành vi cá nhân và niềm tin của khách hàng cá nhân.

Vốn Nhật ra “mặt tiền” kinh tế Việt Nam
Bằng việc ngày càng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đã cắm rễ trong các nhà máy, nay mở rộng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư