Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Kinh tế Bình Dương năm 2022 còn nhiều điểm nghẽn
Lê Quân - 08/12/2022 07:49
 
Năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Bình Dương đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công rất chậm.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 7/12, UBND tỉnh Bình Dương họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh. Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2022, Bình Dương đã thực hiện đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,01% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ USD, tăng 1% (kế hoạch tăng 17%).

Đầu tư nước ngoài đã thu hút gần 3,1 tỷ USD; đầu tư trong nước thu hút 96.722 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh; thu ngân sách đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao.

Sản xuất gỗ tại Công ty An Cường, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn
Sản xuất gỗ tại Công ty An Cường, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn

Mặc dù hoàn thành 30/34 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội nhưng kinh tế Bình Dương vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Đối với sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chỉ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022, kể từ quý III đến cuối năm có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Dự kiến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn trong quý I/2023 và thời gian tiếp theo.

Do tình hình khó khăn nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc. Số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho thấy từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh có 37.000 lao động bị hoãn hợp đồng, 250.000 lao động bị giảm giờ làm.

Bên cạnh đó, tiến độ công tác quy hoạch dù đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vẫn còn chậm.

Đặc biệt, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn đối với Bình Dương khi khối lượng thực hiện và giải ngân vốn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân đầu tư công của Bình Dương chỉ đạt 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch năm 2022 được HĐND tỉnh giao.

Ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trước mắt, từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh Bình Dương tiếp tục nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cùng với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh sẽ tập trung chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cho công nhân gặp khó khăn do mất việc làm, công nhân ở lại Bình Dương đón Tết.

Về nhiệm vụ năm 2023, Bình Dương tập trung thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối nền kinh tế của tỉnh.

Với thế mạnh là công nghiệp, năm 2023 Bình Dương tiếp tục xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời tiếp tục triển khai mở rộng các khu công nghiệp và triển khai đầu tư một số cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư