Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế dần phục hồi, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng
Hà Nguyễn - 29/08/2023 09:55
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sản xuất công nghiệp tháng Tám tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước.

Cụ thể, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Đơn hàng giảm khiến sản xuất công nghiệp gặp khó khăn ngay từ đầu năm 2023

Đặc biệt, ở một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn, chỉ số IIP trong tháng 8/2023 đã tăng so với tháng trước. Chẳng hạn, Hải Phòng tăng 26,4%; Bắc Ninh tăng 8,2%; Thái Nguyên tăng 6%; Bắc Giang tăng 5,4%; Vĩnh Phúc tăng 5,3%; TP.HCM tăng 3,4%; Vĩnh Long tăng 2,2%; Hải Dương tăng 2,1%; Long An tăng 1,5%; Bình Dương tăng 1,1%.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước, nên tính chung 8 tháng năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính giảm vẫn 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng IIP của 8 tháng các năm trước.

Cụ thể, kể từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng IIP toàn ngành công nghiệp trong 8 tháng tăng lần lượt là 9,5%; 2,2%; 5,5%; 9,2% và -0,4%.

Trong mức giảm 0,4% của IIP 8 tháng đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, IIP 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang - tăng 16,4%; Phú Thọ - tăng 15,7%; Nam Định tăng - 13,8%; Kiên Giang - tăng 13%; Hải Phòng - tăng 12,1%; Phú Yên - tăng 11,8%.

Trong khi đó, nhiều địa phương tiếp tục có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh.

Chẳng hạn, Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 16,9%; Vĩnh Long giảm 14,4%; Sóc Trăng giảm 4,8%...

Các chỉ số này cho thấy, dù xu hướng đã tích cực hơn, song sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Mức tăng âm của chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Quan hệ kinh tế Singapore và Việt Nam chưa bao giờ có giới hạn
Vẫn còn nhiều cơ hội để Singapore và Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác hiện có và tìm kiếm cơ hội mới ở những lĩnh vực mới nổi trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư