Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế hồi phục rõ nét hơn
Thế Hải - 01/03/2024 08:42
 
Thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng… 2 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng khá, cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế ngày càng rõ nét hơn.
Hoạt động thương mại trong 2 tháng đầu năm ghi nhận nhiều chỉ dấu tích cực. Ảnh: Đ.T

 Thu hút FDI, xuất khẩu tiếp đà đi lên

Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024, với nhiều mảng màu sáng dần trong bức tranh của nền kinh tế.

Theo đó, kết quả sản xuất, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm ghi nhận các chỉ dấu hồi phục khá tích cực, dù thời gian này có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Một trong những dấu ấn là thu hút FDI tăng kỷ lục, đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm, có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm tăng mạnh là do tăng số lượng dự án mới tăng cao (tăng 55,2%) và có dự án quy mô vốn đầu tư lớn.

Phấn khởi hơn là vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn FDI thực hiện; bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.

Trong 2 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước giảm 18% so với tháng trước đó và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này do số ngày làm việc thực tế của tháng 2 thấp hơn 5 ngày so với tháng 2/2023. Nhưng gộp 2 tháng đầu năm, IIP tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).

Trụ cột quan trọng là xuất khẩu vẫn đang đón tín hiệu tốt lên so với cùng kỳ, khi đơn hàng xuất khẩu với một số ngành hàng chủ lực hồi phục thấy rõ. Đó là xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng 1/2024, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ, đạt 59,34 tỷ USD.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.

Trong 2 tháng đầu năm, có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%).

Cả 11 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD đều đạt mức tăng trưởng dương. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng gần 34% so với cùng kỳ; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 65%; dệt may tăng 15%, giày dép tăng 18%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 43,8%.

Với tiêu dùng, có thể thấy những tín hiệu tích cực, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2/2024 ước đạt gần 510.000 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước đó, nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.031.500 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%).

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Tháng 2/2024 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong tháng và 2 tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước”.

Trong khi đó, nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch, cũng như sự nỗ lực của chính quyền và người dân, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước đó và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Sự hồi phục mạnh mẽ của khách quốc tế đến Việt Nam tạo thêm dư địa tăng trưởng cho nền kinh tế, nhờ sức mua tăng lên của hàng triệu du khách quốc tế.

Niềm tin về thu hút khách quốc tế còn được củng cố khi Báo cáo phân tích “Bối cảnh du lịch Việt Nam 2024” của Outbox Company cho hay, năm 2024, dự báo lượng hành khách nội địa giảm, trong khi hành khách quốc tế dự kiến tăng. Đây là nguồn khách giúp ngành hàng không phục hồi bền vững hơn.

Các chỉ số nêu trên cho thấy, kinh tế vĩ mô tháng 2 và 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét, nhất là về đầu tư và xuất khẩu, từ đó giúp nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng.

Tiếp tục dồn lực cho tăng trưởng

Đi qua 2 tháng đầu năm, dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đang khá tích cực, nhưng khó khăn còn rất lớn, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2024 ở mức 6-6,5%. Đây là mục tiêu đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc tế còn nhiều yếu tố bất lợi.

Bên cạnh những mảng màu sáng về kinh tế, thì vẫn tồn tại nhiều mối lo, như số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49.300 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước đó; gần 3.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%.

Để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, Chính phủ dồn trọng tâm ưu tiên cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài).

Theo đó, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành chip bán dẫn, linh kiện; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Mới đây, nhận định về tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam, ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kết quả sẽ cao hơn năm 2023.

“Tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng các điều kiện nói chung với Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, cho phép kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,8%. Xuất khẩu tăng sẽ giúp sản xuất và các lĩnh vực xuất khẩu khác tăng tốc. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tiêu dùng”, ông Paulo Medas cho hay.

Để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là nhanh chóng giải quyết những điểm yếu có thể cản trở tăng trưởng, như giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động không mấy hiệu quả ở một số doanh nghiệp có thể gây tổn hại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ảnh hưởng tới khả năng cho vay của các ngân hàng.

Việt Nam mang câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan tới WEF Thiên Tân
Trao đổi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị sẽ mang đến câu chuyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư