Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Kinh tế khởi sắc, nhưng rủi ro còn lớn, kỳ vọng vào Chương trình Phục hồi
Hà Nguyễn - 13/05/2022 13:49
 
Ý kiến thống nhất của nhiều chuyên gia đều cho rằng, nền kinh tế đang trong xu hướng phục hồi, nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022-2023

Kinh tế khởi sắc, cơ hội phục hồi lớn

Một sự đồng thuận nhìn thấy rõ trong ý kiến của các chuyên gia kinh tế khi phát biểu tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, đó là nền kinh tế đang trong xu hướng phục hồi tốt.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh điều này. Theo Thứ trưởng, đi qua 4 tháng đầu năm, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Rất nhiều con số đã được Thứ trưởng Trần Quốc Phương viện dẫn để nhấn mạnh điều này. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Cùng với đó, 4 tháng, có hơn 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 5,92 tỷ USD, cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức quốc tế đã có những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này. Theo ông Francois Painchaud, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

“Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của Covid-19. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện kịp thời để hỗ trợ phục hồi”, ông Francois Painchaud nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu của mình đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Trong khi đó, ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6-6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5-7%.

“Các biến số trong các kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói và một lần nữa nhấn mạnh xu hướng phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Thậm chí, theo ông Cấn Văn Lực, các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam được phục hồi mạnh mẽ hơn ở cả phía cung và phía cầu; tỷ giá, lãi suất ổn định. Cùng với đó, điểm tích cực là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; việc tái cơ cấu nền kinh tế đang được thúc đẩy...

Rủi ro nhiều, trông chờ vào Chương trình Phục hồi

Một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2022 chính là lạm phát. Các dự báo của các tổ chức, cũng như của các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm nay sẽ tiệm cận ngưỡng 4% mà Chính phủ đặt ra, chứ không thể ở mức thấp như những năm vừa qua (năm 2021, lạm phát là 1,84% - PV).

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới đang tăng cao, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ khoảng 4-4,5%. Con số trong năm 2023 được ông Lâm dự báo ở mức 5-5,5%.

“Ngay khi đại dịch được kiểm soát, các quốc gia đã thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ với các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo năm 2019 - năm trước đại dịch. Tuy nhiên, các yếu tố về nguồn cung, căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Có 3 yếu tố được ông Lâm cho rằng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam trong năm nay, đó là lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao và việc tổng cầu trong nước tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, IMF dự báo lạm phát năm 2022 tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Còn nhóm nghiên cứu của ông Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra con số khoảng 3,8% trong năm nay, tiệm cận ngưỡng 4%.

Ngoài vấn đề lạm phát, các rủi ro suy giảm kinh tế cũng đã được đề cập. Theo ông Francois Painchaud, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, nhưng sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, là các rủi ro liên quan đến thị trường tài chính, những diễn biến trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

“Chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực”, ông Francois Painchaud nói và cho rằng, Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì lại đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Theo ông Hiếu, trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình Phục hồi, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

“Để Chương trình thực sự là ‘phao cứu sinh’ giúp phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”, ông Hiếu nói.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trao đổi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư