Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015:
Kinh tế phục hồi rõ nét ở cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ
Hà Quang - 29/10/2015 18:21
 
Chiều nay (29/10), ngay sau khi Chính phủ kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 10/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thông tin đến báo chí những vấn đề quan trọng của kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.
.
Chiều nay (29/10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015.

 

Như Báo Đầu tư Online đã đưa tin, sáng nay (29/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2015. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015. 

Cụ thể, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động và được kiểm soát ở mức thấp. Sự phục hồi của nền kinh tế được thể hiện rõ nét qua tình hình phát triển của cả 3 khu vực: công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ.

Trong đó, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng cao nhất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với tháng 10/2014. Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 5,6%; năm 2014: 6,9%). Đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ: so với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 10%, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm trước (năm 2013 tăng 7%; năm 2014 tăng 8,4%).

 Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã khắc phục nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh gây ra, bảo đảm phát triển ổn định, nhất là trong sản xuất lương thực, trồng rừng và đánh bắt hải sản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực dịch vụ: Sức mua và tổng cầu tiếp tục có những cải thiện, thể hiện rõ nét nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, trong 10 tháng đầu năm ước tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 8,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay (29/10), các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015; Báo cáo tình hình thực hiện NSNN tháng 10 và 10 tháng năm 2015; Báo cáo về xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020; Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường, Dự án Luật Cảnh vệ

Trong hoạt động du lịch, đặc biệt là số khách quốc tế đến nước ta, từ mức bị sụt giảm mạnh trước đây, đã tăng trở lại với tốc độ tăng khá cao kể từ khi thực hiện quy chế miễn thị thực nhập cảnh cho một số nước châu Âu. Khách quốc tế đến nước ta tháng 10 ước đạt 649,1 nghìn lượt người, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 16,1% so với tháng 10/2014 (cùng kỳ 2014 giảm 11,1%). Tuy nhiên, do 6 tháng đầu năm khách quốc tế giảm khá mạnh, nên tính chung 10 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 6,34 triệu lượt khách, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

 Về xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 134,62 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 13,4%); trong đó: xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 95 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực doanh nghiệp trong nước giảm 3,3% (cùng kỳ tăng 12,9%). 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 4,13 tỷ USD, gần bằng 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về mặt hàng xuất khẩu: Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 17,6% so với cùng kỳ; nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 9,7%, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở mặt hàng thủy sản và 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước là gạo, cà phê và cao su; nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 46,5% chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu dầu thô sụt giảm. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn mức 67% của cùng kỳ năm trước.

Về phát triển doanh nghiệp: đã có sự tăng trưởng đột biến về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới, nhất là từ khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện. Trong tháng 10/2015, có 9.195 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 65.155 tỷ đồng, tăng 30,6% về số doanh nghiệp và tăng 46,4% về số vốn đăng ký so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước, tăng tương ứng là 34,6% và 102,8%.

Tính chung trong 10 tháng đầu năm, cả nước có 77.542 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 486.088 tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 6,5%) và tăng 37,9% về số vốn đăng ký (cùng kỳ chỉ tăng 9,5%). Vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Có 16.198 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 23,8%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,11% so với tháng trước (tháng 8 giảm 0,07%, tháng 9 giảm 0,21%); tăng 0,51% so với tháng 12/2014; ước cả năm tăng khoảng 2%. Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tăng thấp cho thấy lòng tin của người tiêu dùng vào sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế được cải thiện.

Lĩnh vực tiền tệ, tín dụng tiếp tục có chuyển biến tích cực; tín dụng đối với nền kinh tế được cải thiện. Nợ xấu giảm nhanh và đến nay đã hoàn thành mục tiêu của cả năm là dưới 3%. Tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng tổng số dư tiền gửi.Tính đến ngày 20/10, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 10,47% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 11,69%); tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 12,21% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,46%).

Một điểm nổi bật khác của kinh tế 10 tháng đầu năm 2015 là khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ chỗ sụt giảm hoặc không tăng trước đây, đã tăng khá cao cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký. Cụ thể, Vốn FDI thực hiện 10 tháng đầu năm ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,9%). Tổng vốn đăng ký ước đạt trên 19,29 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 28,8%). Có 1.657 dự án cấp mới, tăng 26,9% so với cùng kỳ; 667 lượt dự án tăng vốn, tăng 42,2%.

Vốn FDI thực hiện và đăng ký đều tăng cao so với cùng kỳ, cùng với việc tăng cao của số dự án cấp mới và tăng vốn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là những đổi mới quan trọng, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, giảm can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp,... trong đó có Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi),.. mới được Quốc hội ban hành và có hiệu lực trong năm nay.

Ngành du lịch kỳ vọng phục hồi trong quý cuối năm
Trong 3 tháng vừa qua, tốc độ suy giảm tăng trưởng khách du lịch ở nước ta đang giảm dần. Với nhiều thuận lợi về chính sách, thị trường,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư