Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế vĩ mô nhìn từ năm 2016 sang 2017
Minh Nhung - 12/01/2017 08:01
 
Đây là quan hệ cân đối tổng quát nhất, cũng là nội dung cơ bản nhất của kinh tế vĩ mô.
TIN LIÊN QUAN

Quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP

Đây là quan hệ cân đối tổng quát nhất, cũng là nội dung cơ bản nhất của kinh tế vĩ mô.

Năm 2016, GDP tăng 6,21% - thấp hơn tốc độ tăng của năm trước đó (6,68%) và thấp hơn so với kế hoạch (6,7%). Tích lũy tài sản năm 2016 tăng với tốc độ khá cao (9,71%) - cao hơn tốc độ tăng GDP, cao hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng, đóng góp 3,08 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GDP. Trong khi đó, tiêu dùng cuối cùng năm 2016 tăng 7,32%, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Cộng hai khoản trên là 8,37 điểm phần trăm, cao hơn 2,16 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng GDP.

.
.

Theo kế hoạch năm 2017, quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP có trạng thái khác với năm 2016 ở một số điểm. Trong đó, tăng trưởng GDP cao hơn, nhưng vốn đầu tư/GDP lại giảm. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa đầu tư và tích lũy sau nhiều năm còn lớn, đến kế hoạch năm 2017 sẽ giảm xuống để cải thiện cân đối kinh tế vĩ mô, nên yêu cầu phải nâng cao hiệu quả đầu tư để ít vốn đầu tư hơn mà tăng trưởng cao hơn.

Quan hệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu

Năm 2016, quan hệ giữa xuất và nhập khẩu có một số kết quả nổi bật.

Về hàng hóa, xuất khẩu đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay cả về kim ngạch (175,9 tỷ USD) và về tỷ lệ so với GDP (85,7%). Do tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu (8,6% so với 4,6%), nên vị thế của Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Về dịch vụ, nhập siêu chỉ tăng nhẹ cả về quy mô tuyệt đối (từ 5,25 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD), nhưng tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đã giảm xuống (từ 46,7% xuống còn 43,9%), chủ yếu do thu từ dịch vụ du lịch tăng khá cao, đạt kỷ lục mới. Dự trữ ngoại tệ tăng, đạt được kỷ lục mới, trong khi tỷ giá USD năm 2016 tăng thấp hơn nhiều so với năm trước đó.

Theo kế hoạch năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn (6,7 - 7% so với 8,6%), trong khi nhập khẩu tăng cao hơn (tăng 12,5% so với 4,6%), nên nhập siêu trở lại mức cao (bằng 3,5% kim ngạch xuất khẩu). Việc trở lại nhập siêu lớn về hàng hóa sẽ làm cán cân thương mại mất cân đối, trong khi vẫn nhập siêu lớn về dịch vụ, nên sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán, đến dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

Với mức nhập khẩu bình quân 1 tháng của năm 2017 cao hơn năm 2016 (trên 16,1 tỷ USD so với 14,4 tỷ USD), thì mức dự trữ ngoại hối kỷ lục 41 tỷ USD của năm 2016 cũng mới bằng trên 2,5 tháng nhập khẩu, nên chưa bảo đảm hệ số an toàn tài chính, thanh khoản của chuẩn mực quốc tế là 3 tháng nhập khẩu. Đây là cảnh báo cần thiết cho năm 2017.

Quan hệ thu - chi ngân sách và lạm phát

Năm 2016, một số khoản thu khác trong thu nội địa đạt khá so với dự toán, tăng khá so với năm trước đó và tổng thu ngân sách đã vượt dự toán, nên tổng thu ngân sách vẫn vượt dự toán và tăng so với năm 2015. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2016 tiếp tục gặp khó khăn do một số khoản thu lớn đạt thấp so với dự toán và giảm sâu so với năm trước đó.

Tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP năm 2016 theo dự toán là 4,95%. Theo kế hoạch năm 2017, bội chi ngân sách/GDP được đề ra ở mức 3,5%. Việc giảm tỷ lệ này do các yếu tố, như  cải thiện nguồn thu (nhờ giá dầu thô có thể tăng lên, nhờ hoạt động chống thất thu, nợ đọng thuế quyết liệt hơn...); tiết kiệm chi ngân sách trên cơ sở giảm biên chế, quyết liệt chống lãng phí, tham nhũng... trong chi ngân sách.

Lạm phát (biểu hiện tổng hợp là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng - CPI) năm 2016  không còn cao như thời kỳ 2004 - 2013, nhưng cũng không quá thấp như năm 2014 (1,84%), năm 2015 (0,6%) và thấp hơn mục tiêu đề ra (tăng dưới 5%). Điều quan trọng là, tư duy điều hành đã chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”, với nhiều giải pháp cụ thể theo sự chuyển hướng đó.

Theo kế hoạch năm 2017, CPI tăng 4%. Con số này tưởng thấp hơn năm trước, nhưng đây là CPI bình quân, chứ không phải con số của tháng 12 năm này so với tháng 12 năm trước đó. Được biết, CPI bình quân năm 2016 chỉ tăng 2,66% - thấp hơn nhiều so với CPI tính từ so tháng 12/2016 với tháng 12/2015 là 4,74%.

Từ các vấn đề trên, có thể thấy, việc ổn định kinh tế vĩ mô năm 2017 sẽ khó hơn năm 2016.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư