Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam đang theo đội hình 4-4-2
Mạnh Bôn - 23/10/2013 14:40
 
Sáng nay (23/10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thu hồi đất, mô hình chính quyền địa phương… là những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Xử lý tham nhũng: Lạm dụng kỷ luật hành chính

Kinh tế nhà nước: nói sao cho khéo

So với Hiến pháp 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ giữ lại 7 điều trong tổng số 147 điều, trong đó có quy định: kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội nhất trí cao, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM), cần diễn đạt lại cho “khéo” hơn.

“Tôi đồng ý quan điểm kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần viết khéo, nếu không dễ gây hiểu lầm. Vì trong giai đoạn hiện nay, rất cần huy động tổng thể các thành phần kinh tế tham gia phát triển đất nước. Chúng ta đang đi theo mô hình 4-4-2. Nghĩa là 40% là kinh tế Nhà nước, 40% là kinh tế dân doanh và 20% là nước ngoài. Kinh tế Nhà nước không chỉ gồm doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, theo tôi cần định nghĩa rõ kinh tế nhà nước bao gồm cả ngân sách, quỹ tài nguyên quốc gia và các khoản khác. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng các thành phần kinh tế khác vẫn bình đẳng trước pháp luật”.

Về vấn đề này, tuy tán thành quan điểm kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, song TS. Trần Du Lịch (Tp.HCM) lại cho rằng, không nên lý giải kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách và các khoản dự trữ, bởi đây không phải là thành phần kinh tế.

Thu hồi đất phải đền bù theo giá thị trường

Đất đai là một trong những vấn đề nóng nhất của Hiến pháp sửa đổi, được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến. Nhiều đại biểu cho rằng, thu hồi đất đai để phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp quy định rõ nội dung này.

Theo Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM), thu hồi đất đai là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, đây cũng là lĩnh vực chiếm tới 70%-80% vụ khiếu kiện, vì lợi ích của người dân bị xâm phạm.

“Cần có thời gian để thực hiện Luật Đất đai, tổng kết thực tiễn rồi mới hiến định vấn đề thu hồi đất vào Hiến pháp. Nếu không làm được điều đó mà hiến định ngay từ lần sửa này thì phải sửa theo hướng: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn sẽ do Luật Đất đai quy định”, đại biểu Lê Trọng Sang phát biểu.

Liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, vấn đề khiến người dân lo ngại nhất hiện nay là đền bù khi thu hồi đất. Do đó, Hiến pháp cần bảo đảm điều này.

“Tôi đồng ý với sửa đổi của Hiến pháp trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần hiểu người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà dân quan tâm nhất là quyền lợi bị xâm hại vì giá đền bù không thỏa đáng. Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong cùng mảnh đất, giá đền bù khác nhau nếu mục đích thu hồi là khác nhau, vì vậy đã gây mất công bằng.

“Nếu tâm không trong sáng thì quy hoạch có vấn đề, khi đó lợi ích của dân sẽ bị xâm phạm. Đề nghị giá đền bù thu hồi đất của dân trong mọi trường hợp đều phải phù hợp với giá thị trường. Nếu Hiến pháp không quy định rõ, chỉ để “theo quy định của pháp luật” thì dân không yên tâm, dễ bị lợi dụng, vì thế mà cần ghi “theo giá thị trường”, đại biểu Quyết Tâm nói.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề nghị, ngoài việc đảm bảo công khai, minh bạch, việc thu hồi đất phải được thực hiện theo quy định về quyền trưng mua, trưng dụng tài sản được quy định trong hiến pháp và phải theo đúng quy hoạch.

Chính quyền địa phương: Quá đa cấp, không ngân sách nào chịu nổi

Bên cạnh vấn đề thu hồi đất, vấn đề được các đại biểu thảo luận nhiều nhất sáng nay là mô hình chính quyền địa phương. Hiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn “để lửng” vấn đề này, không quy định rõ chính quyền địa phương có mấy cấp, gồm những cơ quan nào. Trong khi đó, phía đại biểu quốc hội có hai luồng ý kiến rất rõ rệt: một bên tán thành và một bên phản đối duy trì mô hình Hội đồng nhân dân 3 cấp như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến, đã có chính quyền Nhà nước thì phải có Hội đồng nhân dân. Nếu quyền lực của Hội đồng nhân dân giảm thì nhân dân khó có thể bảo đảm được quyền lợi như Hiến pháp quy định.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng, chỉ nên duy trì chính quyền địa phương cấp huyện, xã như hiện nay, còn chính quyền địa phương ở đô thị và hải đảo thì đã đến thời điểm chín muồi để sửa.

Trên thực tế, ở một số thành phố, thị xã thuộc tỉnh, quận, có ý kiến cho rằng ở cấp phường không nên tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bởi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân chỉ là người thừa hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, thị xã, quận, không có thẩm quyền quyết định về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách. Các địa phương kiến nghị, trên có thể đề xuất thành lập một cơ quan đại diện hành chính, theo đó sẽ không cần Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cần làm rõ thêm một số nộ dung của dự thảo: “Cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần ủy ban hành chính. Ngoài ra, một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này. Với mô hình chính quyền địa phương 3 cấp như hiện nay, không ngân sách nào chịu nổi, thường xuyên thu không đủ bù chi”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu.

Theo chương trình dự kiến, dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 5/11 tới. Sáng 28/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ủy ban kinh tế: GDP tăng 5,4% là "hợp lý"
Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay dự kiến chỉ đạt 5,4%, mặc dù thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%, nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư