Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tạo thể chế cho tái cơ cấu kinh tế
Bảo Duy - 23/10/2013 09:08
 
Giữa tuần này, Quốc hội sẽ bắt đầu buổi thảo luận đầu tiên về kết quả thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Với những nhận định thẳng thắn của Chính phủ về sự chậm trễ trong thực hiện Đề án, nhất là trong tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm, có thể yêu cầu về tiến độ sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt ra.

Thực tế triển khai Đề án cho thấy, mọi yêu cầu liên quan đến đột phá trong tái cơ cấu nền kinh tế sẽ khó khả thi nếu không có thay đổi cơ bản về thể chế kinh tế, về tổ chức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt ra yêu cầu về tiến độ của Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Mặc dù vậy, phải thừa nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án tuy mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng.

Sau khi ký Quyết định 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 về một số nhiệm vụ triển khai trong 3 năm 2013-2015, nhằm thực hiện Đề án.

Theo đó, 58 nhiệm vụ cụ thể đã được phân giao đến từng bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.

Các công việc này được thực hiện trong điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định và rủi ro cao.

Tuy nhiên, những kết quả ban đầu đã cho thấy sự đồng thuận về sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc cắt giảm mạnh số vốn và số dự án đầu tư công, cung tiền và tín dụng được kiểm soát một cách thận trọng, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước xóa bỏ bao cấp về giá đối với than, điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế… Đây là điều quan trọng trong thực thi Đề án vì nếu thiếu sự đồng thuận này, cam kết của Chính phủ trong việc chấm dứt cách thức tăng trưởng kiểu cũ, thúc đẩy hình thành mô hình tăng trưởng mới phù hợp hơn sẽ khó thực hiện.

Song, những thay đổi mang tính đột phá về thể chế, tạo lập môi trường vi mô năng động, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả gần như chưa được thực hiện. Mặc dù tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã được khắc phục đáng kể; nhưng thể chế hành chính chia cắt, phân tán theo địa giới hành chính với mỗi tỉnh, thành phố như một nền kinh tế, thì nguy cơ tái diễn đầu tư phân tán, dàn trải và kém hiệu quả vẫn rất lớn.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhìn chung chưa thiết lập hệ thống thể chế và động lực khuyến khích thúc đẩy phân bố lại nguồn lực hiện có theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Các chương trình, đề án tái cơ cấu của địa phương chưa chú ý tận dụng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, gắn doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ phát triển công nghiệp và giá trị gia tăng nội địa…

Tất nhiên, phải khẳng định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một quá trình lâu dài, phức tạp, khó có thể đạt được kết quả như mong đợi trong thời gian ngắn. Điều quan trọng nhất hiện tại là, những thay đổi về tư duy để tạo bước đột phá về thể chế cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải được các đại biểu Quốc hội chuyển tải kịp thời vào nội dung sửa đổi của Hiến pháp và các dự án luật đang được hoàn thiện.

Tái cơ cấu cũng phải trả giá
Hàng loạt vấn đề về kinh tế sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, khai mạc vào đầu tuần tới. Đánh giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư