Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam năm Ất Mùi 2015: Những thử nghiệm trên đầu sóng
Bảo Duy - 21/02/2015 08:21
 
() Cùng câu hỏi về từ khóa cho kinh tế Việt Nam năm Ất Mùi 2015, nhiều chuyên gia kinh tế đã chọn cụm từ “chấp nhận thay đổi, chấp nhận sáng tạo”, nhưng đi cùng với đó là yêu cầu “chấp nhận hy sinh, chấp nhận trả giá”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế thế giới 2015: Đón đợi bất ngờ và phân hóa
Kinh tế Việt Nam: Vun trồng niềm tin hệ thống
Việt Nam được quan tâm trong nhóm thị trường mới nổi
Không thể để lỡ thêm cơ hội tăng tốc nào nữa
Hiến kế để Việt Nam phát triển!

1.

Vốn dị ứng với những nhận định theo kiểu “vì khác biệt, có những điểm Việt Nam chưa thể theo chuẩn chung của thế giới”, nên lần này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trở nên hồ hởi khi đề cập việc Việt Nam đã ra khỏi danh sách hai quốc gia trên thế giới duy trì mức trần chi quảng cáo, để Trung Quốc đứng lại đó một mình.

Việt Nam bỏ trần chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp là một bước tiếp cận thông lệ thế giới

Sự hồ hởi của ông Cung một phần vì doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều chi phí (gồm cả tiền bạc, thời gian, nhân sự) khi được trao lại quyền quyết định vấn đề của chính  mình, nhưng đó chỉ là phần ngọn.

“Nhiều năm qua, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức rất nhiều cuộc làm việc với ngành thuế chỉ để chứng minh rằng, thông lệ quốc tế không còn áp dụng hạn chế này nữa, mới đẩy được mức giới hạn từ 10% lên 15%. Quyết định nới trần này cũng mới được áp dụng từ 1/1/2014. Vậy mà, vài tháng sau, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất phương án gỡ bỏ”, ông Cung nói và cho rằng, những thay đổi trong tư duy của bộ máy quản lý nhà nước mới thực là điều ông quan tâm.

Còn nhớ, chỉ 2 năm trước, tại VBF giữa kỳ năm 2013, đề xuất gỡ trần chi phí quảng cáo vẫn được lãnh đạo Bộ Tài chính phản biện là cần có lộ trình, và rằng, theo tổng kết của Bộ này thì không nhiều doanh nghiệp dùng hết tỷ lệ khống chế 10%, trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Và rằng, việc khống chế này sẽ bảo vệ doanh nghiệp nội, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu về nguồn lực dành cho quảng cáo… Hơn thế, dù không nói thẳng ra, nhưng ẩn sau những do dự về việc tăng hay gỡ trần chi phí quảng cáo của Bộ Tài chính còn có mối lo doanh nghiệp lách luật để né thuế.

Chính bởi vậy, việc Bộ Tài chính chủ động đề xuất gỡ trần quảng cáo, theo ông Cung, có thể coi là một ví dụ điển hình cho việc các cơ quan quản lý bắt đầu thấy rõ nhu cầu nắn sự khác biệt của ta vào chuẩn chung của toàn cầu.

Có lẽ câu chuyện của Taxi Uber cũng sẽ được coi là một ví dụ điển hình cho những thử nghiệm “nắn sự khác biệt” trong năm nay. Trong báo cáo mới nhất gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào tháng 1/2015, Bộ Công Thương một mặt khẳng định chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh này, mặt khác thể hiện quan điểm quản lý khá mới.

Theo đó, để quản lý hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự, đòi hỏi một tư duy quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Bộ Giao thông - Vận tải đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương… So với cách đây hơn nửa năm, khi Uber bắt đầu vào Việt Nam, quan điểm “đây không phải là hình thức kinh doanh vận tải phù hợp với quy định” của một số cơ quan quản lý đã có những thay đổi lớn.

“Áp lực của hội nhập, đặc biệt là cách áp chuẩn mực của thế giới đã bắt đầu xoay được tư duy cố hữu, vin vào đặc thù của nền kinh tế chuyển đổi để du di trước yêu cầu đổi mới. Khi bộ máy quản lý bắt đầu có áp lực đổi mới theo yêu cầu phát triển, coi doanh nghiệp là đối tác trong giải quyết các vấn đề phát triển thay vì là đối tượng quản lý, không coi những sáng tạo trong kinh doanh là vi phạm pháp luật…, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu đột phá”, ông Cung lạc quan.

Mấu chốt vấn đề đang nằm ở chỗ, phải nhìn thấy sự khác biệt để sẵn sàng thay đổi.

2.

Cách tốt nhất để tìm sự khác biệt trong thế giới ngày càng phẳng hơn, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là soi mình vào thông lệ quốc tế. Đây là lý do ông tâm đắc nhắc tới một bảng xếp hạng trong bản báo cáo có chủ đề “Lựa chọn sự thịnh vượng” của ông Olin Mc Gill, chuyên gia của Chương trình Quản lý vì tăng trưởng trọn vẹn (Governance for Inclusive Growth) của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) đưa ra vào cuối năm ngoái, sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2014.

Ông Thiên đã nhắc tới sự chênh lệch thu nhập giữa Việt Nam, với tư cách là nền kinh tế đứng thứ 99 trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2014 và các nền kinh tế có vị trí tương đương với sự trăn trở rất lớn về những gì “đáng ra kinh tế Việt Nam phải đạt được”.

Theo cách tính của ông Mc Gill, các nền kinh tế đứng ở vị trí từ 91-120 với sự tương đương về môi trường kinh doanh có chỉ số GNI (tổng thu nhập quốc gia) bình quân năm 2012 là 7.545 USD. Trong khi đó, cùng năm 2012, GNI của Việt Nam là 1.400 USD.

Đáng buồn nữa khi nhìn vào bảng diễn tả biến động của mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và nền kinh tế được ông McGill lựa chọn để so sánh là Malaysia trong 10 năm qua, khoảng doãng ngày càng lớn. Trong khi Malaysia đang tiệp cận dần với mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới và có thể đạt mục tiêu trở thành nước giàu có vào năm 2020, đã bứt phá rất mạnh trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB, vươn từ thứ 28 năm 2013 lên thứ 6 năm 2014, thì Việt Nam vẫn đang loay hoay với mục tiêu thu hẹp khoảng cách.

Phải nói thêm, ông Olin Mc Gill đến Việt Nam trong vai trò chuyên gia giúp phân tích các chỉ số thành phần trong Bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của WB, nhưng ông không phải là chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, chưa hiểu nhiều về thực trạng môi trường kinh doanh Việt Nam.

Chính sự khách quan này đã khiến vị chuyên gia không né tránh khi nhận định, hiệu quả điều hành kém khiến GNI của Việt Nam chỉ đạt 1.400 USD, kém 6.145 USD so với các quốc gia tương đương về môi trường kinh doanh.

Ông này cũng tính được rằng, khoảng cách từ 21 ngày làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam với thời gian 7 ngày của nước đứng thứ 10 trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh đã “lấy đi” mất của Việt Nam khoảng 43,2 tỷ USD mỗi năm.

Số tiền này chính là chi phí thời gian, công sức và vật chất mà cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải bỏ ra vì khoảng thời gian tăng thêm không đáng có. Nếu thực sự cắt được số ngày thừa trong chuỗi thủ tục hành chính này,  đối tượng hưởng lợi sẽ không chỉ là doanh nghiệp. TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn: bộ máy quản lý có thể được lợi lớn khi công chức làm việc đúng theo trách nhiệm.

Đơn cử như việc cắt giảm rất nhanh hơn 200 giờ nộp thuế chỉ nhờ xốc lại cách thức làm việc trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước, qua việc chỉnh sửa các thông tư của Bộ Tài chính. Hay tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước năm 2014 chỉ bắt đầu tăng sau khi nguyên tắc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm được công khai.

 “Rõ ràng, việc gắn trách nhiệm cá nhân với bảng phân công công việc để đánh giá vị trí làm việc đã bắt đầu tạo ra sức ép để thay đổi trong từng công chức, từ đó đẩy cả hệ thống hành chính chuyển dịch”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.

3.

Lâu lắm mới thấy TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, xuất hiện trong những buổi tọa đàm mở về kinh tế vĩ mô. Ông vốn là người cổ xúy cho sự kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ trong đổi mới kinh tế, đặc biệt phải đảm bảo vững chắc hơn theo định hướng thị trường.

Nhưng câu đầu tiên ông phát biểu tại Tọa đàm Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vào những ngày cuối năm 2014, lại là một câu hỏi: “Chúng ta đã thực sự theo tiếng gọi của thị trường khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế chưa?”. Ông trả lời luôn: “Vẫn còn tiếng kèn ngập ngừng trong tư duy và hành động”. Chính sự ngập ngừng đang tạo nên những hệ lụy lớn trong tiến trình đổi mới. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ cựu có mặt tại Tọa đàm đồng tình với quan điểm này.

Các chuyên gia cho rằng, về mặt lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế, trục chính của tái cơ cấu phải là thị trường. Chúng ta không thể tái cơ cấu nông nghiệp nếu không nhìn thấy bóng dáng của doanh nghiệp tư nhân ở nông thôn, không thể công nghiệp hóa nông thôn nếu không nhìn thấy tín hiệu thị trường nông thôn trong các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chính sách nhà nước nên chăng là tác nhân thúc đẩy thị trường làm tốt vai trò của mình, chứ không thể can thiệp quá nhiều bằng quyết định hành chính”, ông Nam nói và kêu gọi hãy trả lại cho thị trường những gì thuộc về nó, còn nhà nước tạo điều kiện, môi trường, kiểm tra, giám sát và sẵn sàng can thiệp một khi thị trường tham gia vào tái cơ cấu có rủi ro, giải quyết các vấn đề xã hội.

Như vậy, theo ông Nam, công việc của Nhà nước lúc này là rà soát hệ thống chính sách, cái gì là lực cản cho thị trường thì xoá bỏ, thay đổi, cái gì cần Nhà nước ra tay thì phải làm quyết liệt hơn, như phân bổ nguồn lực, xác định lợi thế so sánh nhưng với tư duy mới chứ không thể ngập ngừng, vương vấn trong lý luận cũng như trong thực tiễn.

“Trong sự đổi mới này, quan trọng là đổi mới vai trò của bộ máy nhà nước, của con người trong bộ máy. Có thể chúng ta sẽ phải chịu đau, phải trả giá vì không có sự đổi mới nào diễn ra trong nhung lụa, nhưng đổi lại, niềm tin của dân chúng, của xã hội sẽ trở lại, tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo”, ông Nam nói.

4.
Cách đây vài năm, sự khác biệt của nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế chuyển đổi, có xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế… vẫn được các chuyên gia trong nước và nước ngoài coi là lý do Việt Nam cần thêm thời gian để tiếp cận đến các chuẩn mực, thông lệ tốt của thế giới. Nhưng hiện giờ, các chuyên gia này đã nói, toàn cầu hóa không có ngoại trừ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư